Địa phương Sài Gòn - Bến Nghé trở thành một thực thể địa chính trị (geo-politique), một thành phố rộng lớn như hiện nay đã trải qua nhiều bước xây dựng thăng trầm - mà trong bài này chỉ quan tâm đến hệ thống kênh rạch và thoát nước.
Năm 1700, bộ tướng của Nguyễn Hữu Cảnh là Lão Cầm đắp lũy Lão Cầm ở phía tây Sài Gòn để bảo vệ thủ phủ Gia Định (bản đồ Trần Văn Học ghi lũy Cát Ngang). Năm 1772, tướng Nguyễn Cửu Đàm đắp lũy Bán Bích để bảo vệ cả ba phố thị Sài Gòn - Bến Nghé - Gia Định.
Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái rộng lớn trên đồi Tân Khai về phía Bến Nghé. Trần Văn Học được coi như công trình sư xây thành và chỉnh trang đường phố Bến Nghé.
Năm 1815, Trần Văn Học công bố bản đồ thành Gia Định trên địa bàn khá rộng lớn với những địa danh rõ ràng, đặc biệt vẽ đầy đủ các kênh và sông rạch cùng đầm lầy chính yếu. Đó là sông lớn Bến Nghé (sông Sài Gòn), rạch Bến Nghé, rạch Sài Gòn (kênh Tàu Hủ), rạch Lò Gốm, rạch Bến Củi, rạch Ông Lớn, rạch Ông Bé, rạch Thị Nghè, kinh Nhiêu Lộc, ngã tắt Mụ Trị (sau là rạch Cầu Bông), ngã tắt Mới (sau là rạch Văn Thánh), rạch Dầu, rạch Chợ Quán, bàu Tròn... Trong phạm vi nhỏ bé Quận 1 nay, Trần Văn Học vẽ rõ cả kinh Bến Thành (Nguyễn Huệ), kinh Cây Cám (Lê Lợi), rạch Cầu Sấu (Hàm Nghi), rạch Cầu Ông Lãnh, rạch Cầu Muối, rạch Cầu Kho...
Năm 1819, mở thêm đường kinh Ruột Ngựa (An Thông Hà) thẳng từ Cầu Bà Thuông tới rạch Cát để thủy vận đi lục tỉnh được dễ dàng thuận lợi.
Năm 1835, sau vụ loạn Lê Văn Khôi, Minh Mạng cho triệt hạ thành Bát Quái và xây tỉnh thành Gia Định nhỏ hơn nằm gọn trong góc đông - bắc nền thành cũ. Thành mới nằm xa sông Sài Gòn và gần rạch Thị Nghè.
Đầu năm 1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha rút quân từ Đà Nẵng vào chiếm phá thành Gia Định. Các cuộc hành quân đương thời đều qua đường sông rạch.
Năm 1862, Huế phải ký "hòa ước" bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha và nhường quyền cai trị (thuộc địa) cho Pháp ba tỉnh miền đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường.
Sơ đồ Coffyn 1862 và bản đồ Sài Gòn 1867
Ngày 30.4.1862, đại tá công binh Coffyn đệ trình một dự án xây dựng TP.Sài Gòn cho 500.000 cư dân, theo chỉ thị của đô đốc - thống đốc Bonard. Kèm với sơ đồ là những giải thích kế hoạch kiến trúc và quy hoạch địa bàn khá rõ ràng. TP theo kiểu Tây phương, rộng khoảng 2.500 ha (25 km2) nằm giữa rạch Thị Nghè - sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé và kinh Vành Đai (canal de ceinture) mới đào từ chùa Cây Mai nơi gần rạch Bến Nghé vòng qua đồng Tập Trận (tương đương với lũy Bán Bích do Nguyễn Cửu Đàm đắp năm 1772), rồi thông thủy với rạch Thị Nghè.
Trong nhiều vấn đề phải giải quyết cho một thành phố mới, có vấn đề thoát nước mưa và nước thải, Coffyn viết: "Việc thoát nước mưa và nước thải trong thành phố luôn là vấn đề khó khăn. Ở đây khó khăn ấy nghiêm trọng hơn bất cứ đâu, vì mặt đất Sài Gòn không cao hơn mức nước sông rạch bao nhiêu, nên không cho phép đặt những ống cống bình thường. Thay vào đó, phải làm những ống cống với cửa cống đóng mở tự động (des égouts à vannes automatrices)"...
"Có lẽ nên theo đô đốc Charner đề nghị, ta có thể bắt chước làm bể chứa nước như ở Calcutta (Ấn Độ), tức đào một hồ lớn ở trung tâm, từ đây chia ra 4 đường cống lấy nước của rạch Bến Nghé, rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn và kinh Vành Đai. Được đóng kín bằng các cửa ngăn (écluses) có thể đặt máy tháo nước (chasse d'eau) vào các ống cống, đồng thời có thể dẫn nước vào hồ qua những đường cống lấy nước khi thủy triều lên cao. Theo cách đó, mỗi tuần 2 lần, ta có thể cho nước chảy ra chảy vào qua ống cống. Ta nên thiết kế những chiều dốc cho đường phố, bến sông và đại lộ, ngõ hầu đảm bảo cho việc thoát nước mưa, nước giếng và vòi phun bằng các rãnh cống dọc theo vỉa hè" (!).
Dự án Coffyn tốt đẹp thực, nhưng bị coi là ảo tưởng đối với tình thế đương thời, không thực hiện được.
Ngày 3.1.1865 có nghị định đặt ranh giới TP.Sài Gòn trong phạm vi giữa rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, đường mới cầu Ông Lãnh (Boresse), tới Ngã sáu theo đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng 8), vẽ rõ đường Chasseloup-Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) và thẳng tới rạch Thị Nghè. Sở công chính vẽ Bình đồ Thành phố Sài Gòn năm 1867 ghi khá đúng ranh giới như nghị định trên. Các kinh rạch nội thành cũng đúng như bản đồ cảng Sài Gòn. Ngoài ra, bình đồ này còn ghi vẽ thêm rạch Cầu Ông Lãnh, rạch Cầu Muối và những đường nước đầu nguồn của rạch Cầu Kho nằm trong đầm lầy gần cầu Ông Lãnh (bản đồ Pháp ghi Marais Boresse). (còn tiếp)
(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)