"Căn nhà xưa đẹp, độc đáo nhất Sóc Trăng" là mỹ từ được du khách đặt cho căn nhà gỗ xưa quý hiếm của dòng họ Lai, với tuổi đời gần trăm năm. Nhà được xây dựng với 5 gian, phần vách, cột kèo, cửa được xây dựng từ gỗ căm xe, mái ngói, nền lát gạch tàu với kiến trúc truyền thống của người Hoa. Vật dụng, đồ dùng trong nhà được làm từ gỗ gõ đỏ.
Ông Lai Văn Tìa (59 tuổi), cháu đời thứ 4 của người xây dựng nhà gỗ của dòng họ Lai, hiện là người chăm lo hương khói tổ tiên. Ông Tìa cho biết, bà cố của ông xây dựng ngôi nhà này vào năm 1925, hoàn thành năm 1926. Đến năm 2014, nhà được con cháu đóng góp kinh phí trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ. Hiện, 2 gian phụ trong nhà vẫn được các thế hệ con cháu sử dụng.
"Ông cố tôi mất sớm, một mình bà cố tảo tần nuôi 5 người con. Lúc đó, bà làm nông, tích lũy tiền xây được căn nhà to đẹp để con cháu sống quây quần cùng nhau. Vì vậy, con cháu đời sau luôn cố gắng giữ gìn", ông Tìa cho biết.
Nhà có chiều ngang gần 20 m, 36 cột bằng gỗ căm xe, bộ ván làm từ gỗ gõ đỏ. Hai bên hông nhà có gian thờ tổ và 2 tấm ván lớn ghi lại lịch sử gia tộc họ Lai.
Tuy không nắm rõ quá trình xây dựng căn nhà và cuộc sống gia đình thuở trước, nhưng qua những bức tranh bích họa ở vách nhà, ông Tìa và con cháu hình dung rõ nét về cuộc sống, nghề nghiệp của ông bà mình.
Điểm đến của khách du lịch
Đưa chúng tôi ra vách nhà trước, ông Tìa giải thích về những bức tranh bích họa với chủ đề nghề nghiệp ở địa phương và cuộc sống gia đình như: trồng lúa, trồng hành tím, trồng nhãn, làm ruộng muối, đánh bắt cá... Đặc biệt, vách nhà trước được trang trí bởi các bức bích họa với chủ đề "điểu thú", các loài chim từ phượng hoàng, chim công, trĩ, hạc, uyên ương, vẹt, gà, vịt… sống động từng đường nét.
"Những bức bích họa này có tuổi đời gần bằng ngôi nhà; trong đó bức vẽ nghề trồng nhãn. Chính từ đó mà bản thân tôi theo nghề trồng nhãn của gia đình và thành công. Hiện, tôi sở hữu trên 1 ha đất trồng nhãn xuồng, thanh nhãn, thu nhập rất khá", ông Tìa chia sẻ.
Thời ông Tìa còn nhỏ, căn nhà cổ này là nơi sinh sống của cả dòng họ nên rất đông đúc. Giờ đây, con cháu dòng họ Lai hầu hết đi làm ăn xa, có người sinh sống ở nước ngoài nên căn nhà trở nên vắng lặng. Con cháu dòng họ Lai chọn ngày 16 tháng giêng hằng năm để làm ngày giỗ và tụ họp đông đủ về nhà thờ tổ.
Thời gian gần đây, căn nhà tổ dòng họ Lai trở thành địa điểm tham quan của đông đảo khách du lịch. Ông Tìa luôn cũng sẵn lòng mở cửa để chào đón du khách.
Đến tham quan căn nhà gỗ của dòng họ Lai, chị Lê Thị Thúy Diễm (33 tuổi, ngụ Hậu Giang) không khỏi xuýt xoa bởi kiến trúc quá đẹp và được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Qua từng công trình kiến trúc đã thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của những người nghệ nhân xưa, tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.