Đời thường, con người và cát bụi trong 'Chuyện các bà vợ già'

10:35 - 16/10/2024

Arnold Bennett là một trong những tác giả lớn của văn học Anh, nhưng cuốn tiểu thuyết 'Chuyện các bà vợ già' ra mắt vào năm 1908 lại không nhận được sự chú ý xứng đáng qua thời gian, dù đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình khi mới hiện diện. Mới đây, nó đã được ra mắt độc giả Việt Nam.

Chuyện các bà vợ già kể về hai chị em Sophia và Constance Baines, hai người phụ nữ sống trong bối cảnh của thế kỷ 19, khi phải đối mặt với những biến động lịch sử nhưng cuộc đời họ lại xoay quanh những điều rất đỗi bình dị.

Trong đó Constance, chị cả, lựa chọn gắn bó với gia đình và cửa hàng vải nhỏ bé ở thị trấn Bursley, trong khi em gái Sophia, bồng bột hơn, chạy trốn khỏi sự bình lặng của đời sống công việc với một người bán hàng và đến Paris. Tuy vậy, dù cho có rời khỏi thị trấn nhỏ và đối mặt với những sự kiện lớn như cuộc bao vây Paris, cuộc sống của Sophia dường như không thay đổi nhiều so với chị gái mình.

Đời thường, con người và cát bụi trong

Tác phẩm từng đứng ở vị trí 87 trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ 20. Sách vừa ra mắt độc giả Việt Nam bởi FORMApubli và NXB Thanh Niên, Nguyễn Đặng Hồng Chương chuyển ngữ

ẢNH: F.P

Bennett được biết đến với phong cách hiện thực sắc sảo và thường tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, từ đó biến nó trở thành một phần của bức tranh lớn hơn về xã hội và con người. Chính trong những chi tiết nhỏ ấy, người đọc nhận ra sự bất lực của con người trước lịch sử, nhưng cũng đồng thời cảm nhận được tình yêu thương và sự gắn bó trong cuộc sống này.

Điều này được thể hiện qua việc miêu tả tâm trạng của Sophia khi chứng kiến vụ hành quyết ở Auxerre: từ sự kinh tởm với cảnh tượng chiếc đầu bị chém rơi cho đến sự chi tiết đến ám ảnh khi cô nghe thấy âm thanh mi mắt mình cọ xát lên gối... Đây là cách Bennett sử dụng để diễn tả sự tổn thương và thất vọng của một người phụ nữ trẻ trước những sự kiện lớn lao của thời đại, nhưng vẫn đậm chất cá nhân và đầy gần gũi.

Ông cũng thành công trong việc khắc họa cuộc sống bình dị, và chính điều này khiến tác phẩm của ông trở nên đặc biệt. Sophia và Constance đại diện cho những con người bình thường bị cuốn vào những sự kiện lớn của lịch sử nhưng số phận họ hầu như không có sự chuyển biến nào. Đây cũng là một phần của thông điệp sâu sắc mà Bennett muốn truyền tải: sự kháng cự của con người trước những quy luật bất di bất dịch của cuộc sống và lịch sử.

Một điểm cũng đáng chú ý trong Chuyện các bà vợ già là tình cảm gia đình không bao giờ bị xem nhẹ. Dù Sophia cố gắng thoát khỏi gốc rễ của mình, nhưng cô vẫn không thể thoát khỏi sự gắn bó vô hình với chị gái và gia đình mình, trong khi Constance thì sống một cuộc đời bình dị như đại diện cho sự an ủi, tình yêu thương và sự gắn bó. Chính tại đây Bennett đã khắc họa sự mâu thuẫn giữa khát vọng tự do cá nhân và sự ràng buộc của tình cảm gia đình, qua đó làm nổi bật lên nỗi đau và sự cô đơn của các nhân vật.

Đời thường, con người và cát bụi trong

Tác giả Arnold Bennett

ẢNH: THE TELEGRAPH

Con người có kiểm soát được số phận của mình?

Nhìn nhận xa hơn, tác phẩm của Bennett không chỉ là câu chuyện về hai chị em Sophia và Constance, mà còn là lời mời gọi người đọc suy ngẫm về sự phức tạp của cuộc sống thường nhật. Qua các nhân vật của mình, Bennett đã đặt ra câu hỏi về vai trò của con người trong lịch sử và liệu chúng ta có thể kiểm soát được số phận của chính mình hay không.

Ta thấy điều đó ở Sophia – người với những nỗ lực trốn chạy khỏi cuộc đời bình dị, cuối cùng cũng phải đối mặt với sự thất vọng và bất lực, trong khi Constance, người ở lại và sống một cuộc đời bình dị, lại đại diện cho sự an ủi và tình cảm gia đình.

Chuyện các bà vợ già có thể nói là một tác phẩm đậm chất hiện thực và triết lý sâu sắc, một câu chuyện về sự kháng cự của con người trước số phận. Bennett đã thành công trong việc khắc họa những chi tiết nhỏ của cuộc sống, từ đó làm nổi bật những khía cạnh thường nhật mà đôi khi chúng ta dễ bỏ qua.

Dù không có những sự kiện lớn lao hay những biến cố kịch tính, nhưng cuốn tiểu thuyết vẫn tạo nên một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, khiến chúng ta suy ngẫm về cuộc sống và số phận của bản thân mình dù là ở thời đại nào.

Về tác phẩm này, dịch giả Nguyễn Đặng Hồng Chương chia sẻ: “Chuyện các bà vợ già có lẽ là câu chuyện cảm động nhất về tác động của thời gian lên con người. Bennett không tô vẽ cho những nhân vật chính trong truyện của ông mà chỉ viết lên sự thật. Giá trị lớn nhất của tác phẩm là tính chất hiện thực, nó có lẽ còn hiện thực hơn cả hiện thực nữa. Dù thế nào, hài hước hay tẻ nhạt, thì đó vẫn trung thành là cuộc đời thật”.

Ông cũng nói thêm: “Song hành cùng số phận của hai nữ nhân vật chính là cái chiều bí ẩn và huyền diệu được gọi là thời gian. Dù không được nói thẳng ra nhưng ta vẫn cảm nhận được dấu vết của thời gian trên từng chương sách. Đời người là như thế đấy: Con người ta được sinh ra đời, mỗi người một tính cách, mỗi người một cuộc đời, trải qua bao cuộc bể dâu, bao cảnh ngộ khổ đau và mãn nguyện, để rồi cuối cùng lại trở về với cát bụi”.

Vào năm 1998, nhà xuất bản Modern Library - tiền thân của Random House Publisher - đã xếp cuốn tiểu thuyết này ở vị trí 87 trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ 20. Nó cũng nhiều được chuyển thể thành phim điện ảnh, vào năm 1921 và 1988.

Arnold Bennett sinh năm 1867 tại Hanley, Staffordshire, Anh Quốc. Lúc trẻ ông học luật và làm việc tại văn phòng luật sư của cha. Sau một cuộc cãi nhau trong gia đình, ông bỏ đi London làm thư ký trong một văn phòng luật sư khác. Năm 1893, ông bỏ nghề luật sư để chuyển sang viết báo. Ông đã làm chủ bút tờ Phụ Nữ trong sáu năm và nhờ thế mà rút ra được một số kinh nghiệm rất quý báu cho những nhận xét tinh tế về phụ nữ trong những tác phẩm sau này. Năm 1900, ông sang Pháp và sống 8 năm ở đây.

Là người rất hào hoa phong nhã với phái đẹp, năm 1907 ông kết hôn với một nữ diễn viên người Pháp nhưng đến năm 1921 thì hai người ly thân. Năm 1931, ông qua đời vì bệnh thương hàn. Những tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến Chuyện các bà vợ già (1908) và Treo trên vách đất (1910). Ngoài tiểu thuyết, Bennett còn viết kịch, truyện ngắn và sách phổ thông. Ông tự nhận mình chịu ảnh hưởng của Stendhal và Flaubert. Ông có trí nhớ phi thường và tài miêu tả tinh tế các chi tiết có thật ngoài đời thực.

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...