Nói về tính toàn diện, tác giả Đào Thị Diến đã tiếp cận đề tài theo cả chiều dọc cũng như chiều ngang. Trong khi chiều dọc bám sát thời gian tuyến tính thì ở chiều ngang, tác giả khai thác những sự chuyển biến của thủ đô trong nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch, kinh tế, bộ máy cai trị... cho đến giáo dục, bảo vệ di sản, giao thông... Trong 40 bài viết, rất nhiều tư liệu cũng như những nhận định mới được đưa ra, từ đó giúp độc giả thêm hiểu những di sản mà một Hà Nội hiện đại vẫn đang sở hữu.
Cuốn sách cũng góp phần làm rõ những thông tin như Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng được trưng dụng để thu dung bệnh nhân dịch hạch vào năm 1903, di tích Ô Quan Chưởng từng suýt chút nữa bị phá bỏ, cầu Long Biên do ai thiết kế, hay mục đích thật sự của dự án lấp hồ Hoàn Kiếm từng được đề xuất vào năm 1925 là gì...
Lúc 9 giờ ngày 11.10, buổi tọa đàm Tiếng nói của tư liệu: Hà Nội thời cận đại từ góc nhìn hôm nay diễn ra tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội). Tại đây, tiến sĩ Đào Thị Diến và các khách mời thảo luận vai trò của tư liệu lưu trữ trong công tác quy hoạch, xây dựng đô thị Hà Nội hiện nay, cũng như việc ứng dụng chúng trong sáng tạo các sản phẩm văn hóa nghệ thuật của thời đại mới.