Đây là một trong những nội dung được bà Trần Tường Vân - Giám đốc tư vấn công ty CP EY Việt Nam thông tin khi nhìn nhận từ góc độ tiếp cận thực tế với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi tăng trưởng xanh.

Doanh nghiệp bối rối trước ”rừng thông tin” về chuyển đổi xanh

Giám đốc tư vấn EY Việt Nam Trần Tường Vân 

Bà Trần Tường Vân cho rằng, sức ép nhiều phía là động lực khiến các doanh nghiệp rất chú trọng đến chuyển đổi xanh nhiều hơn. Mức độ trưởng thành chuyển đổi xanh khác nhau tuỳ từng quy mô doanh nghiệp. Với doanh nghiệp lớn, đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có nhiều lợi thế hơn; còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thức chuyển đổi xanh còn ít.

Trong khi đó, thông tin về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh quá nhiều và khác nhau ở từng thị trường, từng quốc gia ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Một “rừng” thông tin như vậy khiến doanh nghiệp bị “ngợp” và lúng túng khi không biết bắt đầu thực hiện từ đâu, nhất là ở doanh nghiệp thiếu nguồn lực cả nhân sự và tài chính.

Giám đốc tư vấn công ty CP EY Việt Nam đề xuất nên có cổng thông tin hướng dẫn mà ở đó, có tất cả thông tin cần thiết để kể cả một doanh nghiệp non trẻ chưa biết gì về xanh cũng có thể biết cần gì và cần phải làm gì. Những thông tin đó có thể là những định hướng của Chính phủ về mục tiêu Net zero đến năm 2050 và những quy định, chiến lược quan trọng; những thông tin, hướng dẫn chuyển đổi xanh theo từng ngành, từng lĩnh vực như dệt may, nông nghiệp; bộ câu hỏi để doanh nghiệp tự đánh giá mình đang ở đâu và bắt đầu cần phải làm gì…

Theo chuyên gia, việc chưa nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh cũng khiến tài chính xanh khó phát triển cũng như mở rộng danh mục tín dụng xanh. Thực tế những năm gần đây, các ngân hàng đã và đang sẵn sàng cho vay xanh, mong muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp cho vay mở rộng danh mục tín dụng xanh.

Theo bà Trần Tường Vân, hiện một số ngân hàng đang trăn trở khi có tệp khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cho vay xanh thế nào, chi phí đầu tư để quản lý rủi ro có đảm bảo hay không. Do đó, để đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi xanh, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành và cơ quan có liên quan trong việc chuẩn hoá và cập nhật thông tin về chuyển đổi xanh thì ngành ngân hàng cũng cần đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi từ nâu sang xanh.

Doanh nghiệp bối rối trước ”rừng thông tin” về chuyển đổi xanh

Chuyển đổi sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước được nhiều doanh nghiệp thực hiện

Ngược lại, từ phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động hơn bằng những hành động cụ thể như tái cơ cấu, thay đổi cách thức kinh doanh để tăng hiệu quả chuyển đổi xanh cũng như dễ dàng tiếp cận vốn xanh.

Theo gợi ý của Giám đốc tư vấn EY Việt Nam, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến thực hành ESG. Cụ thể, về mặt quản trị, doanh nghiệp xem lại cơ cấu tổ chức để đảm bảo minh bạch nhất có thể. Về mặt môi trường, cần xem lại cách thức sản xuất, vận hành theo hướng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Về xã hội, ưu tiên thực hiện các yếu tố ảnh hưởng mạnh hơn đến doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xem xét các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực ngành hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp dệt may có thể hướng đến việc đạt chứng chỉ tiêu chuẩn tái chế toàn cầu... Khi doanh nghiệp có đầu tư để chuyển đổi và đạt một số chứng chỉ nhất định, ngân hàng có thể xem xét mức lãi suất ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp “trắng” về chứng chỉ phát triển bền vững.