Chế biến chế tạo chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, đóng vai trò quyết định đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Từ đầu năm, dù tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhưng công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tăng 5,9%.

Gỡ khó về vốn, tiếp đà tăng trưởng cho doanh nghiệp chế biến chế tạo

Tốc độ tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I và quý II năm 2024 (nguồn: Tổng cục Thống kê)

Đà tăng trưởng này vẫn duy trì và chuyển biến tích cực trong quý II với mức tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp cấp II tăng trưởng tốt hơn 3 tháng đầu năm. Cụ thể, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 31,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 20,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 19,8% - gấp gần 3 lần mức tăng trong quý I; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,1% - gần gấp đôi mức tăng quý trước đó; sản xuất đồ uống tăng 4,6% - gấp đôi mức tăng quý I…

Cùng với đó, trị giá xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II đạt cao hơn so với quý trước. Chẳng hạn, xuất khẩu giày dép đạt 6.049 triệu USD tăng 26,2%; dây điện và cáp điện đạt 867 triệu USD tăng 12,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 3.885 tăng 9,8%; dệt, may đạt 8.461 USD tăng 8,2%; giấy và sản phẩm từ giấy đạt 525 triệu USD tăng 7,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16.577 triệu USD, tăng 1,5%…

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của một số địa phương tăng cao là: Lai Châu tăng 76,1%; Phú Thọ tăng 35,1%; Bắc Giang tăng 26,8%; Bình Phước tăng 17,0%; Hà Nam tăng 15,8%; Hải Phòng tăng 15,6%.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II thuận lợi hơn quý trước và dự báo quý III, còn khả quan hơn quý này với 82,9% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định.

Trong thời gian tới, nhất trong 6 tháng cuối năm, để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; giải ngân nhanh, hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, quan tâm hỗ trợ để tìm kiếm đầu ra, gỡ khó trong thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Gỡ khó về vốn, tiếp đà tăng trưởng cho doanh nghiệp chế biến chế tạo

Trong công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất chế biến thực phẩm quý II tăng 8,1% gần gấp đôi mức tăng quý trước đó (ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, cần có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo nguồn điện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể trong mùa cao điểm của nắng nóng.

Theo Tổng cục Thống kê, cần thiết có gói hỗ trợ người lao động với chính sách rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn và giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động; hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động đối với doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.