Riêng với học sinh cuối cấp lớp 9 và 12, ngày đầu tiên trở lại trường (19.2) còn là dịp chúc nhau vượt qua các kỳ thi quan trọng sắp đến.
Để tạo hứng khởi cho học sinh bước vào giai đoạn vừa học vừa ôn thi tuyển sinh lớp 10 căng thẳng, cô Trần Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/4 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đã cùng ban đại diện phụ huynh của lớp chuẩn bị sẵn những phong bao lì xì, lời chúc tốt đẹp dành tặng các em.
Hay ngay trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm đầu tiên khi trở lại trường học sau kỳ nghỉ tết, thầy chủ nhiệm Phạm Lê Thanh dành cho tập thể lớp 12A07 Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11) hoạt động "Lời chúc đầu xuân".
Trong tiết sinh hoạt này, học sinh gửi nhau những lời chúc tốt đẹp và nhận về những bao lì xì nhiều may mắn, chúc tất cả "thi đâu đậu đó".
Bên cạnh đó, thầy giáo Phạm Lê Thanh còn tặng mỗi học sinh một chữ thư pháp - chữ "Tâm" thanh cao và sáng mãi giữa dòng thời gian kèm lời dặn dò: "Học tập hay đi làm bất cứ việc gì cũng phải toàn tâm, toàn ý, tâm sáng - trí tuệ thì gặt hái được quả ngọt, trái ngon. Khi cái tài được hóa thân vào cái tâm, cái đức, cái nghĩa, thì cái tài ấy mới có cơ hội tỏa sáng".
12 lời nhắn của thầy hiệu trưởng
Trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), chia sẻ thầy không muốn trò yêu của mình là "gà công nghiệp", "mọt sách" bởi các em dễ bị lỗi nhịp khi vào đời. Thầy nói thêm: "Mỗi em có sở trường riêng: em giỏi toán, em giỏi ngoại ngữ, em giỏi thể dục thể thao (TDTT), em thích hùng biện, em có thẩm mỹ thời trang... hiện thực hóa nội lực để phát triển thế mạnh chứ không chỉ cứ quá chăm bẵm lo điểm số".
Từ đó, thầy Phú khuyến khích học sinh tạo đột phá nhiều hơn trong học tập và hoạt động giáo dục với 12 lời nhắn:
- Trong từng tiết học phải mạnh dạn tương tác với thầy cô về những vấn đề mình chưa rõ. Thầy cô sẽ rất vui và thậm chí hạnh phúc khi giúp đỡ các em. Bên cạnh đó, các em cần đào sâu nội dung nhiều hơn kiến thức trong sách giáo khoa.
- Phải siêng năng ôn bài, giải bài để hình thành thói quen học tập. Dù mình thông minh, học giỏi nhưng chây lười chắc chắn khó mà tiến xa.
- Tăng cường làm việc nhóm để học hỏi các bạn, thể hiện chính kiến của mình nhằm thuyết phục các bạn. Tham gia dự án trong nhóm giúp hình thành kỹ năng quản lý dự án lớn hơn khi vào đời.
- Tham gia dự án một ngày làm giáo viên để trải nghiệm việc quản lý lớp, phát huy tố chất lãnh đạo.
- Phải biết tạo động lực cho mình: nhìn các bạn có IELTS 8.0 để phấn đấu, thấy bạn đạt giải nghiên cứu khoa học phát khởi đam mê, biết bạn nghèo khó mà học giỏi thì mình càng phải nỗ lực nhiều hơn. Biết bạn mồ côi mình càng yêu thương cha mẹ hơn...
- Rèn luyện tính tự học: sưu tầm tài liệu trên không gian mạng, xem phim khoa học bằng ngôn ngữ nước ngoài, đọc những tác phẩm văn học đạt giải Nobel. Giải bài tập nâng cao.
- Tự mình phải chuyển đổi số, nghiên cứu công nghệ và sử dụng công nghệ vào học tập, nghiên cứu và sinh hoạt.
- Nên nhớ smartphone là một phương tiện giúp chúng ta học tốt hơn. Người biết tận dụng thì smartphone sẽ là cuốn tự điển, thư viện, phòng thí nghiệm, bộ sách giáo khoa...
- Tích cực tham gia các câu lạc bộ để tài năng hoặc sở trường của mình được phát huy.
- Học phải đi đôi với hành, từ lý thuyết đi vào cuộc sống thông qua các sản phẩm như: xà phòng, dầu ăn, dầu thơm, thịt đông, trứng muối, yaourt, kem, tên lửa nước, xe chạy bằng năng lượng mặt trời...
- Phải tham gia TDTT: đá banh, bóng rổ, cầu lông, võ Vovinam, bóng chuyền, yoga, bơi lội... Tăng cường thể lực tốt.
- Tham gia công tác thiện nguyện, ủng hộ xây cầu nông thôn, xây nhà tình nghĩa, giúp đồng bào bị thiên tai, mua vé ca nhạc gây quỹ học bổng, nghe nhạc tình quê hương... bồi bổ tâm hồn; sống vì mọi người theo phương châm "cho đi là để nhận về" bởi cuộc sống này chỉ thay đổi trong một khắc, nhưng dẫu sao cũng chọn cách sống tốt các em nhé!