Trong bối cảnh ngày càng nhiều trường công nhận kết quả thi ĐGNL cũng như tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này, các trung tâm và trường phổ thông đều có động thái liên quan để hỗ trợ tốt nhất cho học sinh (HS).
CẢI TIẾN CÁCH LUYỆN THI
8 giờ 30 một ngày đầu tháng 1.2024, gần 120 HS có mặt tại một địa điểm ở Q.3 (TP.HCM) để dự buổi thi thử ĐGNL dài 150 phút. Đến 11 giờ, sau khi nộp bài, HS còn được "truyền lửa" từ các thí sinh đạt điểm cao, hiện là sinh viên những trường ĐH tốp đầu. Đây chính là hoạt động trực tiếp đầu tiên mà thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên (GV) luyện thi ĐGNL trực tuyến, tổ chức miễn phí cho HS các khóa.
"Khi luyện đề tại nhà, HS dễ xao nhãng và không mường tượng được thực tế thi cử ra sao. Thế nên, việc "thử lửa" bằng một buổi thi quy mô lớn giúp các bạn "định lượng" được phần nào sức học, khả năng tập trung và tâm lý phòng thi, từ đó cải thiện những hạn chế về kiến thức, kỹ thuật làm bài", thầy Công chia sẻ và cho biết có thể sẽ tổ chức hoạt động tương tự ở các tỉnh khác trong thời gian tới. "Xu hướng hiện nay là các bạn tiếp xúc với ĐGNL từ rất sớm, ngay từ lớp 11 và thậm chí chỉ ôn duy nhất bài thi này để xét tuyển ĐH", thầy Công nói thêm.
Một điểm mới khác là tích hợp công nghệ trong khâu ôn luyện và tổ chức thi thử, theo thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống luyện thi ĐGNL Lasan - Helius Education (TP.HCM). HS có thể đăng nhập website để xem lại bài giảng nhiều lần hoặc luyện tập giải đề hằng ngày tùy theo nhu cầu. "Trung tâm cũng biên soạn tài liệu hệ thống lại lý thuyết và đề tham khảo để cung cấp cho HS", thầy Hùng cho hay.
Cũng theo thầy Hùng, để tăng hiệu quả giảng dạy, mỗi năm GV phải cập nhật từng chuyên đề, bài giảng sao cho tối ưu. Đồng thời, thầy cô cũng cần kiểm tra, đánh giá từng phân môn trước khi ôn đề tổng hợp. "Lộ trình ôn tập gồm 3 giai đoạn chính: học kiến thức căn bản, tăng cường luyện các dạng nâng cao, sau cùng là tăng tốc giải đề để tăng phản xạ và tốc độ làm bài, liên tục 5 - 7 đề/tuần", thầy Hùng nói.
TRUNG TÂM HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT, TRƯỜNG PHỔ CẬP THÔNG TIN
Đang luyện thi ĐGNL tại trung tâm, Bùi Long Đức, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho biết khóa học không dạy kiến thức nâng cao mà tập trung vào các nội dung căn bản trong chương trình lớp 12. Ngoài lý thuyết, GV cũng hướng dẫn nhiều kỹ thuật làm bài như cách đọc văn bản, tư duy vấn đề hay giải toán nhanh... "Em học 2 - 3 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài từ 3 - 3,5 giờ", Đức nói và cho biết thêm, trung tâm dựa theo thời điểm tổ chức các đợt thi ĐGNL để thiết kế lộ trình ôn luyện. Vì thế, khi kỳ thi mở đơn đăng ký cũng là lúc HS vào giai đoạn chạy nước rút, vừa luyện đề vừa lấp các "lỗ hổng" kiến thức. "Các đề thi thử được GV trung tâm tổng hợp, biên soạn dựa trên đề mẫu chính thức của các năm nên khá sát đề thi thực tế", Đức nhận xét.
Cũng theo Đức, không chỉ trung tâm mà trường học cũng nỗ lực giúp HS chinh phục kỳ thi ĐGNL. Chẳng hạn, GV trên lớp phổ cập kiến thức căn bản về đề thi, hướng dẫn HS đăng ký thi. "Khi dạy, thầy cô nhấn mạnh những vấn đề, nội dung trong bài học thường xuất hiện trong đề thi ĐGNL. Ở một số tiết buổi chiều, thầy cô cũng cho chúng em giải đề và sửa bài", Đức cho hay.
Hồ Thị Yến Như, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho biết GV trên lớp cũng có đề cập đến nội dung và cấu trúc bài thi ĐGNL, song chỉ dừng ở mức giới thiệu, không đi sâu vào giải thích, hướng dẫn. "Thầy cô khi giảng bài cũng lưu ý chúng em cần nắm kiến thức căn bản các môn thi ĐGNL để vững nền tảng, qua đó có thể làm tốt bài kiểm tra", Như chia sẻ.
Hiện ngoài ôn thi tại trung tâm, Như tìm mua một số tài liệu liên quan được rao bán trên mạng để tham khảo. Mỗi tối, Như dành trung bình 1 - 2,5 giờ để giải đề thi ĐGNL cùng bạn bè. "Sau khi làm thử đề mẫu ĐH Quốc gia TP.HCM mới công bố, em thấy mình còn "bay gốc" vài nội dung nên đang tổng ôn lại các kiến thức trọng tâm từ đầu học kỳ 1 lớp 12 đến nay", Như cho hay.
CHỦ YẾU Ở NỖ LỰC TỰ HỌC CỦA THÍ SINH
Theo thầy Đặng Duy Hùng, năm 2024 ghi nhận thêm nhiều HS dự định thi ĐGNL cũng như có điều kiện ôn luyện đầy đủ hơn, thế nên mục tiêu các bạn đặt ra cũng cao hơn các năm trước. "Đa số nhắm đến mức 850 - 900/1.200 điểm trở lên, còn những bạn quyết tâm vào ngành top thì đặt nguyện vọng ở mức trên 1.000 điểm", thầy Hùng thông tin.
Thạc sĩ Bùi Văn Công khuyên HS nhắm đến mức điểm 800 - 900 nếu cạnh tranh vào các ngành "hot" tại ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH phía nam, và 1.000 điểm trở lên nếu muốn chắc suất trúng tuyển bằng phương thức ĐGNL. "Cần lưu ý, để đạt mức điểm trên 900, GV không thể giúp gì nhiều mà phần lớn nằm ở nỗ lực tự học của chính HS", thầy Công nói.
Đinh Hữu Nghiêm, thủ khoa ĐGNL Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với mức điểm 1.009, nhận định điều quan trọng nhất để đạt kết quả tối ưu là HS phải tự đánh giá năng lực qua điểm thi thử và bài kiểm tra trên lớp, từ đó đưa ra chiến lược ôn luyện phù hợp. "Các bạn cũng cần kết hợp giải trí thay vì dồn nhiều thời gian học tập để tránh bị cháy sạch năng lượng, ảnh hưởng kết quả cả quá trình", Nghiêm chia sẻ.
Với các môn thi không được dạy trong sách giáo khoa như tư duy logic, phân tích số liệu, HS cần làm nhiều câu hỏi trong đề để phát triển tư duy và rút kinh nghiệm riêng, theo Vũ Mai Thùy, đạt 1.047 điểm và hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. "Khi giải đề, nếu sai phần nào, các bạn nên ghi lại, sau đó tìm dạng kiến thức liên quan và giải những bài tương tự để cải thiện", Thùy nhắn nhủ.
Không luyện thi, điểm có cao ?
Từng đạt 957 điểm thi ĐGNL năm 2023 dù không đăng ký học thêm bên ngoài, Đào Nguyễn Hoàng Tùng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định bí quyết nằm ở nền tảng kiến thức cơ bản mà Tùng tích lũy qua các bài giảng trên lớp. "Không riêng tôi, nhiều bạn bè khác dù không học thêm cũng đạt 800 - 900 điểm", Tùng chia sẻ.
Theo Tùng, nên sớm thiết kế lộ trình ôn luyện hợp lý để làm quen với đề thi. Chẳng hạn, Tùng đã dành 4 tuần trước khi thi để giải đề, thời gian đầu tập trung vào môn toán để "chắc điểm", sau đó học thêm những câu hỏi "lạ" như ở môn tiếng Việt. "Khi không làm được câu nào, tôi sẽ dò lại lý thuyết và những bài học liên quan để lấp "lỗ hổng" kiến thức", Tùng nói.
Tương tự, Thân Trọng Anh Khoa, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đạt hơn 800 điểm thi ĐGNL năm 2022 nhờ tự học. Khoa cho biết mình bắt đầu ôn luyện ngay từ lúc đăng ký thi, với ưu tiên hàng đầu là những môn không phải thế mạnh như hóa học, địa lý, sau cùng mới đến các môn sở trường. Cách ôn chủ yếu là thông qua giải đề "thực chiến" để tăng tốc độ tư duy và mở rộng kiến thức.
Về tài liệu ôn luyện, Khoa cóp nhặt từ nhiều nơi, như bộ đề mẫu của các trung tâm luyện thi trực tuyến hay đề của những GV mà bạn bè theo học, những bài giảng trên mạng xã hội. "Với bài thi ĐGNL, quan trọng là độ rộng của kiến thức chứ không phải độ sâu như thi tốt nghiệp THPT", Khoa nói.
Để đạt kết quả tốt nhất, cần có năng lực thật
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH này không ban hành các tài liệu ôn tập dưới mọi hình thức, không tổ chức luyện đề thi. HS cũng không cần tham gia các khóa luyện thi mà nên tự ôn luyện năng lực chung của mình. Cách để đạt kết quả tốt nhất là HS cần có năng lực thật và tập trung học để nâng cao năng lực đó trong suốt quá trình chứ không phải là luyện thi, học tủ để có điểm thi cao. HS cần tự xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực một cách toàn diện, dài hạn chứ không nên học lệch, học tủ.
Tiến sĩ Chính nhấn mạnh, việc tích lũy kiến thức rất quan trọng để có thể hoàn thành tốt các dạng bài thi năng lực. HS lớp 10, 11 cần tạo thói quen học chủ động, có phản biện và luôn tìm tòi mở rộng kiến thức. Năng lực suy luận logic có thể phát triển qua quá trình rèn luyện. Nếu tập được thói quen này, HS dễ dàng đáp ứng yêu cầu của nhiều kỳ thi khác nhau, không chỉ thi ĐGNL.
Hà Ánh