Ở học kỳ I năm học lớp 6, con gái lớn của tôi bị điểm khá thấp ở môn toán so với kỳ vọng và nghĩ bản thân dở toán. Khi ngồi lại cùng con tìm hiểu vấn đề, con cho rằng cô giảng bài “hôm thì nghe ổn, hôm thì chán, buồn ngủ”. Vì vậy, tôi nhờ một người quen giỏi toán, biết cách truyền đạt giúp con củng cố kiến thức. Bước qua học kỳ 2, điểm toán con bứt phá hẳn.
Qua câu chuyện của con gái, tôi nhớ lại bản thân mình từng trải qua những ngày tháng học tập như thế, kể cả bậc đại học lẫn cao học. Có những ngày các vị giáo sư, tiến sĩ thao thao bất tuyệt, bất kể sinh viên có tiếp thu hay không.
Gần đây, khi đọc một quyển sách, tôi lưu ý hội thoại giữa vua George VI của Anh cùng quan cận thần. Cụ thể, vị quan hỏi: “Vì sao thần phải phí thời gian ngồi nghe?”. Vua George VI đáp: “Vì ta có quyền bắt các ngươi phải nghe. Ta có quyền nói”.
Nếu đặt hội thoại trên bối cảnh giáo dục thì nó khá đúng để hình dung vị thế của học trò và người thầy trong lớp học truyền thống hiện nay. Người duy nhất có quyền nói trong lớp học là giáo viên, bất kể học trò thích nghe hay không.
Cách đây hơn 10 năm, trong lớp học thạc sĩ của tôi, một giáo sư có tiếng mở đầu bài giảng với phát biểu: “Chúng tôi không còn là sinh viên chỉ biết lắng nghe, mà phải có tư duy phản biện, chính kiến của mình”. Khi ông đưa ra vấn đề thảo luận, tôi phản biện. Thế là, ông lại lớn tiếng chỉnh đốn: “Các anh chị đến đây để học và như vậy thì cần phải biết lắng nghe”. Điều này cho thấy, “quyền nói” ở tất cả bậc học cũng chỉ nằm ở phía người thầy.
Nếu người thầy không biết cách truyền tải, khơi gợi học sinh trao đổi ý kiến thì tiết học giống như “cực hình”. Bởi lẽ học sinh chỉ được giơ tay phát biểu điều mà chúng biết khi được hỏi, chứ không thể kể “những gì em không biết không?” hoặc thắc mắc “tại sao phải như thế mà không phải là thế này”.
Con tôi từng nói: “Nếu đi hỏi hết trẻ em thì con chắc các bạn đều nói trường học như nhà tù”. Sự so sánh này có thể “hơi quá” nhưng phản ánh đúng với những gì chúng trải qua. Bọn trẻ phải ngồi học trong im lặng vì sợ hơn là vì thích. Hầu hết không phải ngồi vì ham học, nếu có thì rất ít trong số đó.
Cần cải thiện là kỹ năng truyền đạt của giáo viên
Chúng ta luôn biết rằng thành phẩm của giáo dục không chỉ là điểm số mà là sự yêu thích của học trò đối với một môn học. Tuy nhiên, nền giáo dục hiện tại phụ thuộc vào vai trò của người dạy. Giáo viên có kỹ năng truyền đạt tốt sẽ giúp một học trò dở phát triển khả năng. Ngược lại, người thầy dù có năng lực nhưng truyền đạt kém sẽ khiến học sinh nản.
Với sự phát triển vượt bậc của AI, người học có thể tìm “thầy” cho mình mọi lúc, mọi nơi dễ dàng. Bản thân học sinh ngày nay ngoài học thuật, tự tìm đến các lớp học về soft skills (kỹ năng mềm) từ cách thuyết trình đến tư duy phản biện.
Vì thế, bản thân người thầy trong thời đại AI cũng phải biết nâng cao những kỹ năng này. Để làm sao trong 40-45 phút đứng lớp dù như một nghệ sĩ trình diễn độc thoại nhưng người thầy giúp bọn trẻ bật cười thu nạp kiến thức khô khan một cách dễ chịu nhất, nhẹ nhàng nhất. Có vậy, những kiến thức hàn lâm mới thật sự tồn tại lâu dài và phát huy tiềm năng của bọn trẻ.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục Việt Nam bị chỉ trích nặng về lý thuyết. Ngành giáo dục nỗ lực cải cách và thay đổi sách giáo khoa nhưng quên mất điều đầu tiên cần cải thiện là kỹ năng của người giảng dạy.
Người thầy của thời đại AI phải có kỹ năng lắng nghe, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề mới có thể giúp học sinh trở thành những người có tư duy độc lập và phân tích. Nếu người thầy có năng lượng truyền tải, kỹ năng truyền đạt như một MC thì dĩ nhiên lớp học sẽ thú vị hơn nhiều.
Trong thời đại ngày nay, vai trò người thầy vẫn hơn hẳn công cụ AI vì giáo viên không chỉ là người cung cấp kiến thức mà còn biết khơi gợi, truyền cảm hứng và lắng nghe. Nếu người thầy không thể làm tốt được như vậy, thì gần như quyền nói của bọn trẻ bị hạn chế và tiết học trở thành sự kiềm hãm niềm vui của đôi bên.
Chỉ những giáo viên có khả năng thích ứng và đổi mới để theo kịp xu hướng phát triển mới có thể truyền cảm hứng cho học sinh sáng tạo.
Do đó, thay vì hỏi tại sao con em chúng ta không thích đến trường thì đôi khi ta cần đặt lại câu hỏi trường học có thật sự là nơi tạo được sự yêu thích để bọn trẻ hào hứng đến đó vào mỗi sáng thức giấc hay không? Trong đời đại AI, mong ra hầu hết học sinh sẽ có cơ duyên được học cùng những người thầy cô giỏi chuyên môn, biết truyền cảm hứng để các con thấy việc học thật thú vị và thời gian lại trôi quá mau.