Năm 1978, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 164 công nhận chính thức 16 cơ sở đào tạo giáo viên (GV) là trường CĐ sư phạm được thành lập trước đó trên cơ sở các trường trung cấp sư phạm. Quyết định này nêu: "Trường CĐ sư phạm có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng GV cấp 2 có trình độ ĐH cho địa phương. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục có thể giao thêm cho một số trường CĐ sư phạm đào tạo và bồi dưỡng GV cấp 2 cho địa phương khác, sau khi đã thỏa thuận với UBND có trách nhiệm quản lý trường. Các trường CĐ sư phạm thuộc hệ thống giáo dục ĐH, nên được hưởng các chính sách, chế độ… do nhà nước ban hành cho các trường ĐH".
Sau đó, nhiều trường CĐ sư phạm cũng được thành lập nhằm đào tạo GV cấp 2 (THCS) cho địa phương. Đến khi luật Giáo dục 2019 được ban hành, quy định trình độ chuẩn của nhà giáo được nâng lên, các trường CĐ sư phạm không còn có chức năng đào tạo GV tiểu học và THCS mà chỉ còn duy nhất ngành giáo dục mầm non.
Cuối năm 2023, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm, theo lộ trình đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo GV tại các trường CĐ sư phạm và trường CĐ đa ngành, chỉ tổ chức đào tạo GV tại các cơ sở giáo dục ĐH. Như vậy, Trường CĐ sư phạm sắp khép lại "sứ mệnh" sau gần 5 thập niên.
GIẢI THỂ, TRỞ THÀNH TRƯỜNG NGHỀ HOẶC PHÂN HIỆU CỦA TRƯỜNG ĐH
Trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB-XH đã có 8 quyết định thành lập, sáp nhập các trường CĐ sư phạm vào các trường CĐ khác thành trường CĐ cộng đồng.
Cụ thể, thành lập Trường CĐ Cộng đồng Kon Tum trên cơ sở sáp nhập 4 trường gồm Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Kon Tum, Trường CĐ Sư phạm Kon Tum, Trường trung cấp Y tế Kon Tum và Trường trung cấp Nghề Kon Tum. Trường trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Hưng Yên sáp nhập vào Trường CĐ Sư phạm Hưng Yên và đổi tên thành Trường CĐ Cộng đồng Hưng Yên. Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật, Trường trung cấp Y tế, Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng sáp nhập vào Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng.
Tương tự, thành lập Trường CĐ Bình Phước trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Bình Phước, Trường CĐ Y tế Bình Phước và Trường CĐ Nghề Bình Phước; thành lập Trường CĐ Vĩnh Long trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long và Trường trung cấp Y tế Vĩnh Long. Các trường CĐ Kinh tế - Tài chính, CĐ Y tế và CĐ Sư phạm của Thái Nguyên được sáp nhập thành Trường CĐ Thái Nguyên. Các trường CĐ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Yên Bái, CĐ Sư phạm Yên Bái, Trường mầm non thực hành được sáp nhập vào Trường CĐ Y tế Yên Bái và đổi tên thành Trường CĐ Yên Bái. Bộ LĐ-TB-XH cũng có quyết định thành lập Trường CĐ Đà Lạt trên cơ sở sáp nhập 3 trường gồm CĐ Sư phạm Đà Lạt, CĐ Nghề Đà Lạt và CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng.
Riêng Trường CĐ Sư phạm Cà Mau đã bị giải thể theo quyết định của Bộ GD-ĐT. Toàn bộ giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất của trường này đã được chuyển về Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau.
Trong khi đó, một số trường CĐ sư phạm đã được sáp nhập với trường ĐH, chẳng hạn Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận trở thành một phần của Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Ninh Thuận, hai trường CĐ Sư phạm Long An và CĐ Sư phạm Gia Lai được sáp nhập vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và trở thành phân hiệu của trường này.
CHƯA BIẾT ĐI ĐÂU VỀ ĐÂU
Trong khi đó hiện nay hàng chục trường CĐ sư phạm còn lại của các địa phương đang trong tình trạng chưa biết sẽ "đi đâu về đâu".
Tiến sĩ Phan Thế Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: "Ở nhiều tỉnh có trường ĐH công lập thì các trường CĐ sư phạm có phần thuận lợi vì có thể sẽ được sáp nhập vào trường ĐH. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không có trường ĐH công nên chúng tôi chưa biết mình sẽ đi đâu về đâu. Có thể sẽ có hai hướng, một là trở thành phân hiệu của một trường ĐH nào đó, hai là nhập vào trường nghề và như vậy thì theo quy hoạch trong tương lai sẽ không còn được đào tạo ngành sư phạm".
Hiện nay, trường cũng đang chuẩn bị tâm thế sẽ sáp nhập trong tương lai gần. Nói về những khó khăn của các trường CĐ sư phạm còn lại chuẩn bị sáp nhập vào trường khác, ông Hải nêu: "Cơ cấu tổ chức chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì các nhân sự là lãnh đạo trường, lãnh đạo và viên chức làm việc tại các đơn vị thuộc trường sẽ bị ảnh hưởng đến vị trí, quyền lợi, sở trường công tác… sau khi sáp nhập. Đối với những giảng viên đang trực tiếp giảng dạy các môn chuyên ngành của một ngành nào đó ở trình độ CĐ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như ngành đó không có ở trình độ ĐH của trường mà trường CĐ sẽ sáp nhập".
Trong trường hợp tỉnh không có trường ĐH công nên phải sáp nhập vào một trường ĐH trong khu vực, khi đó ngoài các khó khăn trên, theo ông Hải, sẽ phát sinh thêm một khó khăn. "Đó là giảng viên sẽ phải di chuyển đến dạy tại trụ sở chính, việc đi lại bất tiện hoặc phải xa nhà nhiều lần có thể sẽ khiến giảng viên bỏ việc hoặc chuyển trường, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của trường CĐ, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao", tiến sĩ Hải nhận định.
Từ những khó khăn trên, bên cạnh phương án sáp nhập vào một trường ĐH sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo GV trong vùng hay sáp nhập vào một cơ sở giáo dục ĐH tại địa phương, ông Hải đề xuất dự thảo quy hoạch nên thêm phương án "phát triển thành trường ĐH đa ngành trực thuộc UBND cấp tỉnh có đào tạo GV". Theo ông Hải, lý do vì nếu một trường CĐ sư phạm hiện tại mà có đủ điều kiện để phát triển thành trường ĐH trực thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó có đào tạo GV thì sẽ rất thuận lợi trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục cũng như cho các ngành khác mà địa phương đang cần. "Phương án này còn là để giảm tải cho 11 cơ sở giáo dục ĐH hạt nhân theo dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018", tiến sĩ Hải nhận định.
Địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để quy hoạch lại các trường
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có 244 cơ sở giáo dục ĐH, trong đó 172 cơ sở công lập (26 cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc các địa phương); 67 cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập (5 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài).
Trong đó có 103 cơ sở đào tạo GV, gồm 15 trường ĐH sư phạm (6 trường ĐH sư phạm, 6 trường ĐH sư phạm kỹ thuật, 2 trường ĐH sư phạm thể dục thể thao và Trường ĐH sư phạm nghệ thuật T.Ư); 50 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo GV; 20 trường CĐ sư phạm (3 trực thuộc Bộ GD-ĐT và 17 trực thuộc các địa phương) và 18 trường CĐ đa ngành có đào tạo GV.
Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết: "Các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để quy hoạch lại các trường trên địa bàn do mình quản lý. Thường các địa phương sẽ đều lấy ý kiến của các bộ, ngành trước khi sáp nhập các trường lại với nhau. Nếu trường CĐ sư phạm sáp nhập vào trường ĐH sư phạm hoặc ĐH địa phương, ĐH vùng thì đương nhiên sẽ tốt hơn. Còn sáp nhập vào trường nghề thì sẽ chỉ đào tạo ngành GV mầm non và trong tương lai sẽ không còn đào tạo sư phạm nữa".