Thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến sự suy giảm của xe gầm thấp và sự lên ngôi của xe gầm cao, phản ánh xu hướng dịch chuyển trong thói quen tiêu dùng.
Thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 8/2024 chứng kiến sự tương phản rõ rệt giữa hai phân khúc xe gầm thấp và xe gầm cao. Trong khi doanh số xe gầm thấp hạng A giảm mạnh, thì các mẫu xe gầm cao lại chiếm ưu thế với mức tăng trưởng ổn định, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng bán chạy.
Cụ thể, phân khúc xe gầm thấp hạng A, từng được ưa chuộng bởi người tiêu dùng Việt Nam, nay đang dần mất đi sức hấp dẫn. Sau khi các mẫu xe nổi bật như VinFast Fadil và Honda Brio rời khỏi thị trường, phân khúc này chỉ còn lại ba đại diện: Hyundai Grand i10, Toyota Wigo và KIA Morning. Tuy nhiên, doanh số của cả ba mẫu xe này trong tháng 8/2024 chỉ đạt tổng cộng 548 xe, giảm 20% so với tháng trước và giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một dấu hiệu đáng báo động cho phân khúc xe gầm thấp hạng A, đặc biệt khi doanh số các mẫu xe không có đại diện nào lọt vào top 10 bán chạy nhất của tháng.
Đáng chú ý, trong cùng khoảng thời gian, những mẫu xe gầm cao như SUV, crossover và MPV tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Trong bảng xếp hạng xe bán chạy tháng 8, có tới 8 mẫu xe gầm cao góp mặt gồm: Mitsubishi Xforce, Ford Ranger, Mazda CX-5, Mitsubishi Xpander, Toyota Yaris Cross và Ford Everest. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của phân khúc xe gầm cao đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Một phần lý do cho sự giảm sút doanh số của xe gầm thấp có thể nằm ở yếu tố tâm lý người tiêu dùng. Tháng 8/2024 rơi vào thời điểm tháng Ngâu, thời điểm mà người Việt Nam thường e ngại mua sắm, đặc biệt là các tài sản lớn như ô tô. Điều này đã góp phần làm giảm nhu cầu đối với các dòng xe gầm thấp, vốn được xem là phân khúc xe nhỏ gọn, dễ di chuyển trong đô thị nhưng không có nhiều điểm nổi bật so với các mẫu xe gầm cao hiện đại, tiện nghi hơn.
Tính từ đầu năm, doanh số của phân khúc xe gầm thấp hạng A cũng không mấy khả quan khi chưa từng vượt quá 1.000 xe/tháng. Đỉnh điểm vào tháng 3 chỉ đạt 959 xe và con số này tiếp tục giảm dần trong các tháng sau đó. Đối ngược lại, các mẫu xe gầm cao luôn duy trì được mức doanh số ấn tượng, nhờ sự đa dạng trong phân khúc, từ xe crossover, SUV, đến MPV, pickup.
Nhìn chung, sự thụt lùi của phân khúc xe gầm thấp, đặc biệt là xe hạng A, cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các dòng xe gầm cao, đã cho thấy xu hướng thay đổi rõ rệt trong thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.
Tại sao người Việt chuộng xe gầm cao?
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các mẫu xe đa năng như SUV hay crossover nhờ tính thực dụng và phù hợp với nhiều mục đích sử dụng. Những dòng xe này không chỉ tiện lợi cho việc di chuyển hàng ngày trong đô thị mà còn thoải mái, rộng rãi cho các chuyến đi chơi xa hoặc về quê cùng gia đình. Với tầm nhìn rộng và khả năng vận hành bền bỉ, xe gầm cao đặc biệt thu hút các gia đình và người làm dịch vụ vận tải.
Ngoài ra, điều kiện hạ tầng giao thông tại Việt Nam còn nhiều đường xá kém chất lượng như ổ gà, ổ voi, cũng góp phần làm tăng sự ưa chuộng xe gầm cao. Khả năng vận hành êm ái và dễ dàng vượt qua chướng ngại vật của xe gầm cao là điểm cộng lớn trong các tình huống đường xá xấu, giúp xe di chuyển linh hoạt hơn so với xe gầm thấp.
Không chỉ vậy, điều kiện thời tiết mưa bão kéo dài tại Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội và miền Bắc, đã khẳng định ưu thế của xe gầm cao trong việc đối phó với tình trạng ngập lụt. Với khoảng sáng gầm cao, các mẫu xe SUV và crossover có thể vượt qua vũng nước nông một cách dễ dàng và giảm thiểu nguy cơ thuỷ kích – hiện tượng gây thiệt hại lớn cho động cơ khi nước xâm nhập qua họng nạp. Đây là lý do chính khiến xe gầm cao được xem là lựa chọn an toàn và bền bỉ trong nhiều điều kiện đường sá và thời tiết khắc nghiệt.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...