>> Gần 6 triệu ô tô và 70 triệu xe máy xăng ra đường, ô nhiễm nặng nề, thay đổi làm sao?
Tăng quá nhanh
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 75 triệu xe máy lưu hành, trong đó có gần 73 triệu xe máy xăng và hơn 2 triệu xe máy điện. Nếu năm 2013 cả nước mới có 37 triệu xe máy các loại đăng ký lưu hành thì sau 10 năm, đã tăng gấp 2 lần.
Tính toán của Bộ Công thương cho biết, khi đạt ngưỡng khoảng 2,9 người/xe thì thị trường xe máy sẽ bão hòa. Thời điểm xe máy bão hòa được đề cập đến là vào năm 2011, khi đó Việt Nam có 90 triệu dân và lượng xe máy là 33,4 triệu chiếc. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển của thị trường xe máy từ năm 2011 đến nay có thể thấy, doanh số bán năm cao nhất đạt tới 3,5 triệu xe ( năm 2011 và 2018), thấp nhất là 2,8 triệu xe (năm 2023).
Hơn 90% thị phần xe máy tại Việt Nam thuộc về 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM. Năm cao nhất, 5 doanh nghiệp này bán tới 3,3 triệu xe và năm thấp nhất cũng bán hơn 2,5 triệu xe. Trong đó, Honda chiếm thị phần áp đảo đến hơn 80%.
Với con số 75 triệu xe máy trên 100 triệu dân, như vậy bình quân đạt mức 1,5 người/xe. Sử dụng càng nhiều xe máy xăng thì càng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng khí thải CO2 (cacbon dioxit) của Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp giảm phát thải, lượng CO2 có thể tăng gấp đôi lên tới 900 triệu tấn. Đây là mức độ tăng rất lớn. Trong đó có tỷ lệ lớn đến từ giao thông vận tải.
Năm 2023 doanh số bán xe máy thấp nhất kể từ 12 năm qua. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đó là do kinh tế khó khăn, thu nhập của dân cư giảm mạnh, tất cả đều phải thắt chặt chi tiêu. Khi kinh tế tăng trưởng trở lại, chắc chắn nhu cầu về xe máy sẽ tăng lên. Dự báo những năm tới tiêu thụ xe máy vẫn cao.
Để đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì đòi hỏi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Trong số những loại phương tiện không phát thải hiện nay thì xe sử dụng năng lượng điện đóng vai trò cốt lõi. Tại Việt Nam, xe máy điện đang có sức hút nhất định, có thể thuyết phục người tiêu dùng chuyển đổi. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023 cả nước mới có hơn 2 triệu xe máy điện lưu hành. Đây là con số quá nhỏ bé, trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, trường Đại học Kinh tế , thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, nên hạn chế sử dụng xe máy xăng, khuyến khích chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, các cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ điều tiết vĩ mô. Chẳng hạn như ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, hay các chính sách về thuế, phí với xe máy xăng, qua đó hạn chế tiêu dùng. Cùng với đó là ban hành các chính sách ưu đãi lớn với xe máy điện để khuyến khích người dân sử dụng.
Ưu điểm của xe máy điện là không đòi hỏi đầu tư hạ tầng trạm sạc tốn kém, có thể sạc ở bất cứ đâu có ổ điện, chi phí sử dụng thấp hơn xe máy xăng, nên việc chuyển đổi rất dễ dàng. Đây lại là phương tiện di chuyển bền vững và thân thiện với môi trường.
Hiện tại, 5 doanh nghiệp xe máy FDI lớn, vẫn đang tập trung vào xe máy xăng là chính, chậm chuyển đổi sang xe điện. Đến nay, Honda Việt Nam mới chỉ nhập về 2 mẫu xe máy điện để thí điểm sử dụng. Còn Yamaha Việt Nam thì sản xuất, lắp ráp mẫu xe điện Yamaha NEO’S, chủ yếu để xuất khẩu sang châu Âu.
Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm khá tốt trên “sân nhà”. Trong số 10 doanh nghiệp sản xuất xe máy điện hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, có 5 doanh nghiệp trong nước, chiếm tới 70% thị phần.
Khuyến khích chuyển đổi sang xe máy điện, không chỉ là giải pháp làm giảm phát thải CO2 mà còn mở hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp xe máy thời kỳ mới. Mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước.