Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình: Diễn đàn Thu hút Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Xanh 2024.

Tham dự Diễn đàn có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. HCM; Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp; Ông Nguyễn Hà Lộc – Phó Giám đốc Sở NNNT tỉnh Lâm Đồng; Ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế; Ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA); Ông Phạm Đình Dũng - Trưởng Ban, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM; Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP. HCM; Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận; Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó GĐ Trung tâm Xúc đầu tư TM và DL Bình Phước; Ông Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp; GS. TS. Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phạm Thanh Duy - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong; Ông Huỳnh Thái Nguyên, PGĐ Công ty Nông nghiệp hữu cơ OAU…

Về phía ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp địa phương, một số doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư.

Thuế có nhiều ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp nhưng còn nhiều bất cập

Có những quy định "ưu đãi cho nông dân nhưng ngược đãi với doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Phụng nhận định

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay luật thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đã soạn thảo từ những năm 1997 và thực hiện đến nay đã gần 30 năm.

Những luật này xuất phát từ thuế phân khu ngày xưa nên đại bộ phận, tới 80% dân số là nông dân nên không ai quy định áp dụng hóa đơn, không thu thuế VAT với sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm tự dùng thì không thu, sản phẩm bán ra không đủ tiền đáng thu.

Thế nhưng sau nhiều năm, cơ cấu xã hội thay đổi, tỷ lệ người dân là nông dân giảm xuống, doanh nghiệp làm nông nghiệp tăng lên, cơ chế không thu thuế bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện Việt Nam có 9 loại thuế, bên cạnh đó còn có tiền sử dụng đất, thuê đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên và các loại phí, lệ phí, v.v..

Liên quan tới nông nghiệp thì đáng chú ý là đất nông nghiệp hiện đang không thu thuế, áp dụng từ năm 2003, cam kết áp dụng đến 2030.

Việc không thu thuế này lại tạo ra một hiện tượng ỷ lại, người nông dân bỏ không đồng ruộng, “chờ tiền dự án đền bù thích hơn”, theo ông Phụng quan sát. Cho nên có những ý kiến cần khôi phục một số loại thuế nào đó để tránh tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang. Trong khi đó doanh nghiệp cần đất để làm thì không có.

Ông Phụng lấy ví dụ ở một số địa phương như Hà Nam hay Thái Bình, chính quyền đã đứng ra làm trung gian để doanh nghiệp được thuê đất của nông dân dài hạn để sản xuất kinh doanh. Người nông dân “chủ đất” trở thành người dịch vụ cho doanh nghiệp. Ông Phụng cho rằng đây là một mô hình khả quan đáng để theo dõi.

Tương tự như vậy, nhà nước hiện hiện không thu thuế tài nguyên nước dùng cho tưới tiêu. Các nhà nghiên cứu cũng tính toán xem liệu có cần thu 1 loại thuế nào đó để tránh người dân sử dụng lãng phí tài nguyên nước.

Đối với giống, hiện đang không thu thuế VAT đối với giống vật nuôi và giống cây trồng. Nếu là hàng nhập khẩu thì áp thuế nhập khẩu 0%.

Về phân bón, trước đây áp dụng thuế VAT 5% và tính thuế đầu ra khấu trừ thuế đầu vào. Nếu đầu ra trừ đầu vào là dương thì nộp thuế, nếu âm thì được hoàn lại.

Nhưng năm 2015-2016 có sự thay đổi dẫn tới sự “ưu đãi cho bà con nông dân thì trở thành ngược đãi với ngành phân bón”, ông Phụng ví von. Kết quả là ngành phân bón cộng hết các loại thuế vào giá bán, cuối cùng người mua lại là người thực trả. Theo ông Phụng, hiện trên quốc hội cũng có tranh luận về việc này nhưng chưa thống nhất.

Về máy móc, thiết bị chuyên dùng trong sản xuất nông nghiệp đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm và các thức ăn cho vật nuôi khác cũng không áp thuế giá trị gia tăng.

Ở đầu ra, không đánh thuế với nông sản tự dùng. Với nông sản bán ra, không phân biệt hộ gia đình, HTX hay doanh nghiệp đều không áp thuế VAT với khâu bán ra đầu tiên cho sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế bế thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, các nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra.

Nông sản cùng loại nhập khẩu vào Việt Nam cũng không áp thuế, không thu thuế VAT khâu nhập khẩu. 

Theo ông Phụng đánh giá, như vậy nhà nước có rất nhiều ưu đãi về thuế cho nông nghiệp. Tuy nhiên các luật thuế hiện hành đang có nhiều bất cập khiến các đối tượng chính như người sản xuất hay người tiêu dùng lại không được hưởng ưu đãi, mà các ưu đãi này lại rơi vào khâu trung gian, những người kinh doanh.

Ông Phụng lấy ví dụ trường hợp hoa quả nhập khẩu, mặc dù thuế nhập khẩu được ưu đãi nhưng các nhà nhập khẩu vẫn nâng giá bán lên ngang bằng với các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Vô hình trung họ hưởng hết ưu đãi về thuế nhập khẩu nông sản.

Đối với thuế thu nhập thì không thu thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình, cá nhân thu nhập từ sản xuất nông nghiệp; miễn thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã. 

Với doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp thì có sự phân biệt, miễn thuế TNDN nếu thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, Thuế suất thấp (10%) nếu tại địa bàn khó khăn và Thuế suất 15% nếu tại địa bàn thuận lợi.

Theo ông Phụng, thuế đang dành nhiều ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp kể cả ở đầu ra và đầu vào. Việc không thu thuế GTGT đối với nông sản do nông hộ bán ra (khâu đầu tiên) có tính đến yếu tố quản lý và thực tế gần 80% dân số trong lĩnh vực nông nghiệp (đến nay con số này có thể thấp hơn nhưng vẫn là đa số).

Nhưng những ưu đãi này có thể dẫn tớ nguy cơ nông nhàn.  Người nông dân kéo nhau ra thành phố, ruộng bỏ hoang, doanh nghiệp cần thì chưa có cơ chế. 

Bên cạnh đó có tình trạng có những doanh nghiệp sinh ra chỉ để “ăn chặn” thuế của nhà nước. Ông lấy dẫn chứng là từ 1/7/2026 có một điểm thay đổi nhỏ trong thuế. Theo đó, những doanh nghiệp đang hoạt động mà thuế đầu vào nhiều hơn thuế đầu ra thì nhà nước không hoàn thuế. Theo ông Phụng, thay đổi nhỏ này đã diệt được 79 nghìn doanh nghiệp “ăn chặn” thuế.

Ông Phụng phân tích những bất hợp lý về thuế giá trị gia tăng với đầu vào của nông nghiệp đã đặt gánh nặng lên ngành sản xuất nguyên liệu, vật tư đầu vào, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp vì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, rõ nhất là ở ngành sản xuất phân bón. Những bất cập này sẽ dẫn đến sụt giảm dần vốn kinh doanh; không thể đầu tư mới, đầu tư mở rộng do đội vốn; tăng chi phí sản xuất dẫn đến tăng giá bán; giảm sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập.

Chính vì vậy, ông Phụng đánh giá rất cần thiết sửa đổi sớm thuế GTGT đối với phân bón, vật tư, thiết bị đầu vào cho SXNN để khắc phục những bất hợp lý và thiệt hại đã nhận biết. Bộ Tài chính đã giúp Chính phủ soạn thảo Dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 05/2024), ông Phụng cho biết.