Có hiệu lực từ 29/6/2023, quy định EUDR yêu cầu các sản phẩm được đưa vào hoặc xuất khẩu từ thị trường châu Âu (EU) phải có thể truy xuất được nguồn gốc, không phá rừng và được sản xuất hợp pháp. Theo lộ trình, các công ty lớn hơn nhập khẩu các mặt hàng này vào EU phải tuân thủ EUDR từ ngày 30/12/ 2024, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ muộn hơn nửa năm - ngày 30/6/2025.

4 nhóm vấn đề cần xem xét, thúc đẩy thực hiện EUDR

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo và Phó Đại diện thường trú của UNDP Patrick Haverman chủ trì hội thảo (ảnh: H.G)

Tại hội thảo Rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện quy định EUDR cho ngành cà phê và gỗ ở Việt Nam do UNDP và Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tổ chức, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, thời điểm thực hiện EUDR đang đến rất gần. Trong 7 nhóm mặt hàng của Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định EUDR thì 3 ngành hàng là gỗ, cà phê và cao su bị tác động lớn nhất.

Để chủ động thích ứng với quy định này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng và ban hành khung Kế hoạch hành động nhằm cung cấp, hướng dẫn toàn diện cho các tổ chức cấp quốc gia và cấp tỉnh, đảm bảo các hành động thiết thực được thực hiện để hỗ trợ các quy trình thẩm định. Theo ông Trần Quang Bảo, để thực thi EUDR tại Việt Nam, ngoài các quy định chính sách về đất đai, về phát triển nông lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu đòi hỏi năng lực quản lý và cách tiếp cận liên ngành và đồng bộ của các cơ quan quản lý, các bên liên quan cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng, các nông hộ, cộng đồng.

Đại diện ngành lâm nghiệp Việt Nam cũng thông tin: với vai trò là nền tảng để đánh giá EUDR cho các ngành hàng, ngành lâm nghiệp đã cung cấp thông tin đầu vào để EU phân loại quốc gia theo rủi ro thông qua kết quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, việc thực hiện các cam kết quốc tế về rừng…

>>> Quy định chống phá rừng (EUDR): Bài 2 – Khuyến nghị về chính sách

Thích ứng với EUDR, Việt Nam có một số thuận lợi là đóng cửa, dừng khai thác rừng tự nhiên từ năm 2014; doanh nghiệp Việt Nam đã quen với Quy chế gỗ 995/2010 của EU, tham gia thực thi VPA/FLEGT hay thỏa thuận gỗ với Hoa Kỳ; diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững tăng nhanh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức lớn về cơ sở dữ liệu, về truy xuất nguồn gốc với những sản phẩm phối trộn nguyên liệu... Khó khăn cũng có thể đến từ định nghĩa, quan điểm khác nhau giữa hai bên về rừng. Chẳng hạn, diện tích rừng tối thiểu theo quy định của EU là 0,5ha trong khi ở Việt Nam là 0,3ha; có những khu vực Việt Nam coi là rừng nhưng EU thì không và ngược lại…

4 nhóm vấn đề cần xem xét, thúc đẩy thực hiện EUDR

Ngành cà phê Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để sớm thích ứng với EUDR

Trong khi thời gian thực thi quy định EUDR đang đến gần, ông Patrick Haverman - Phó Đại diện thường trú của UNDP Việt Nam nhấn mạnh đến 4 nhóm vấn đề để các bên liên quan xem xét.

Thứ nhất, việc chia sẻ dữ liệu và bản đồ là quan trọng, do đó cần thiết lập các giao thức rõ ràng về cách Chính phủ sẽ chia sẻ dữ liệu và bản đồ với các bên, bao gồm các nền tảng sẽ được sử dụng và các loại dữ liệu có thể được chia sẻ.

Thứ hai, cần phát triển các phương pháp phân tích định nghĩa rừng, không mất rừng và phân tích rủi ro.

Thứ ba, việc phân tích tính hợp pháp cũng quan trọng không kém.

Cuối cùng, phải tập trung vào việc hỗ trợ các hộ nhỏ đang đối mặt với nhiều thách thức. Điều quan trọng là phải cung cấp cho các hộ nhỏ các nguồn lực và kiến thức cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn mà không ảnh hưởng quá mức đến sinh kế của các hộ nhỏ.