Đây là một trong những nhận định được bà Hà Thị Thu Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch Viện thành viên Hội đồng quản trị đề cập tại diễn đàn kết nối và giao lưu nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới, theo bà Hà Thị Thu Thanh,  Việt Nam đã thiệt hại 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu và con số này dự báo tiếp tục tăng nếu không có biện pháp ứng phó hiệu quả. Ở góc độ giới, biến đổi khí hậu có thể làm giảm 35% tổng thu nhập tại các gia đình do phụ nữ làm chủ. Ngoài ra, căng thẳng do biến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới, khiến cho phụ nữ nói chung ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ mới.

Kết nối nữ doanh nhân phát triển kinh tế xanh

Phụ nữ là những nhân tố giúp tăng tốc nhanh nhất trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu

Trong bối cảnh những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đang có xu hưởng tăng cả về tần suất, cường độ và trở nên khó dự báo, phát triển xanh được coi là giải pháp căn cơ để góp phần xử lý hài hòa giữa một bên là yêu cầu phát triển kinh tế và một bên là nỗ lực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Chuyển hướng kinh tế xanh và tăng trưởng xanh chính là con đường để các nền kinh tế và doanh nghiệp bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Trong sự chuyển hướng đó, doanh nhân nữ là một lực lượng quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một phần không thể tách rời trong Chiến lược tăng trưởng xanh. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức thành viên là VAWE đã có nhiều hoạt động, sáng kiến phát triển kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững như sáng kiến Ngày khởi nghiệp khuyến khích phụ nữ, trong đó có các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh gắn với nông nghiệp bền vững; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh...

Bà Hà Thị Thu Thanh nhấn mạnh: giảm thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu là những mục tiêu không thể đạt được nếu không có sự chung tay của phụ nữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giới và biến đổi khí hậu là hai vấn đề có liên quan đến nhau.

Cụ thể, ở các doanh nghiệp có sự lãnh đạo đa dạng giới thực hiện tốt hơn, được thể hiện 8/9 trong các chỉ số hành động khí hậu và có nhiều khả năng giảm cường độ tiêu thụ năng lượng, phát thải khí nhà kính và sử dụng nước. Các ngân hàng có hội đồng quản trị đa dạng giới hơn cung cấp nhiều tín dụng hơn cho các công ty xanh; đồng thời cho vay ít hơn với các công ty có cường độ ô nhiễm cao. Đặc biệt, tỷ lệ nữ quản lý doanh nghiệp tăng một điểm phần trăm có thể giảm 0,5% lượng khí thải CO2.

Bên cạnh những tiềm năng, cơ hội phát triển, bà Chen Sopheap - thành viên lãnh đạo Hiệp hội Nữ doanh nhân Campuchia đề cập đến nhiều thách thức mà nữ doanh nhân đang đối mặt khi phát triển kinh tế xanh. Trong đó, có 5 vấn đề lớn và rất mới.

Kết nối nữ doanh nhân phát triển kinh tế xanh

Liên kết, quảng bá đưa sản phẩm thủ công bản địa tiếp cận đông đảo khách hàng trên thị trường 

Thứ nhất, kiến thức và kỹ năng liên quan đến kinh tế xanh, thương mại đầu tư còn hạn chế bởi doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường hoạt động ở quy mô nhỏ và vừa.

Thứ hai, nguồn  lực tài chính cho phát triển kinh tế xanh hạn chế, cần sự hỗ trợ của các đối tác phát triển.

Thứ ba, hạn chế trong kết nối mạng lưới, sự đồng thuận chưa nhiều nên cần có sự ủng hộ lớn hơn với sự tham gia của Chính phủ

Thứ tư, ưu tiên, bình đẳng trong gia đình, nữ doanh nhân phải chịu trách nhiệm nhiều vấn đề trong gia đình, chăm sóc con cái nên cần có sự  bình đẳng giới giúp phụ nữ phát triển nghề nghiệp.

Cuối cùng, người tiêu dùng cho rằng sản phẩm hàng hoá thủ công, bản địa do phụ nữ sản xuất thường có giá thành cao. Điều này cũng dễ hiểu bởi các sản phẩm thủ công thường mất nhiều thời gian và công sức thực hiện, hoàn thiện.

Bà Chen Sopheap cho rằng, đây là vấn đề chung trong sản xuất hàng hoá xanh, thủ công mà của nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia thường gặp phải. Đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Campuchia nêu sáng kiến đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu về sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh và chấp nhận ủng hộ sản phẩm xanh. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức tích cực đẩy mạnh hỗ trợ, liên kết của các sản phẩm với thị trường, giúp đỡ phụ nữ đưa hàng hóa xanh đến với người tiêu dùng.

Còn tại Việt Nam, bà Hà Thị Thu Thanh cho biết thêm: Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã tham gia Mạng lưới các Nữ lãnh đạo tiên phong trong biến đổi khí hậu tại Việt Nam, triển khai chương trình về ESG trong Hiệp hội nhiệm kỳ này và tích hợp, gia tăng các nguồn lực hỗ trợ nữ doanh nhân tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Trong thời gian tới, VAWE dự tính triển khai sáng kiến kết nối Mạng lưới doanh nhân 3 nước với chủ đề Kinh tế xanh và biến đổi khí hậu.