Chia sẻ tại phiên toạ đàm cấp cao Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong năm 2023, cân đối ổn định vĩ mô, duy trì an sinh xã hội tạo đà cho phát triển.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm yếu mang tính cơ cấu như nền kinh tế còn bị phân mảnh. Nền kinh tế mở nhưng mức độ năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp nên khó tận dụng cơ hội của hội nhập mang lại.
Mặt khác, hệ thống thể chế không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả để tạo bứt phá cho tăng trưởng. Điều này thể hiện ở việc Quốc hội liên tục ban hành thể chế khác biệt cho các địa phương hay để thực hiện dự án quan trọng quốc gia.
Đáng lưu ý, trước việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao, chuyên gia Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, trong cái khó khăn luôn luôn ló ra những cơ hội. Nhiều doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội đó. Tuy nhiên nhà nước phải tạo môi trường để họ nắm bắt cơ hội đó. Trong đó phải kể đến cải cách môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản; giúp doanh nghiệp giảm chi phí, miễn phí, miễn thuế. Điều này sẽ tăng cầu tiêu dùng tốt hơn.
Tuy nhiên doanh nghiệp cần nhà nước làm những việc này một cách nhất quán, mạnh mẽ mẽ hơn; đảm bảo lòng tin của doanh nghiệp. Các văn bản, chính sách phải công khai, minh bạch, đảm bảo tính chuẩn xác.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh gặp khó khăn, thách thức, do vậy cần huy động năng lực nội sinh của nền kinh tế, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Muốn vậy, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết để giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ổn định các động lực tăng trưởng
Đáng lưu ý, bàn về giải pháp ổn định các động lực tăng trưởng thời gian tới, TS Nguyễn Đình CUng nhận định, kinh tế Việt Nam mở, tiếp tục mở rộng độ mở nhưng thực tế quá trình hội nhập có phần nào chậm lại, có thể có đứt gãy và thay đổi định hướng. Các nước phát triển thay đổi tư duy củng cố nền tảng tăng tính tự lực, tự cường, từ đó thay đổi chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, xu thế mới về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản xuất, tiêu dùng ở những nước bạn hàng của Việt Nam. Vì vậy để duy trì tăng tưởng xuất khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.
Trước bối cảnh trên, theo TS.Nguyễn Đình Cung cần làm sống động lại năng lực nội sinh của của doanh nghiệp, theo đó hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư để thay đổi đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tuần hoàn, giảm phát thải. Phải đa dạng hóa thị trường. Phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng khóa học công nghệ trở thành đo nội sinh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thay đổi chế độ khuyến khích đầu tư…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, với ngành hàng như dệt may xuất khẩu, cần nhận định rõ vấn đề sụt giảm của 2023 là ngắn hạn thì phải tìm giải pháp ngắn hạn. Đối với ứng dụng công nghệ, đổi mới và phát triển bền vũng, đây được coi là giải pháp trung và dài hạn. Do đó, chúng ta phải áp dụng các giải pháp rất phù hợp cho tình hình này.
Trong khi kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững, cần tìm kiếm nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề cụ thể. Những sụt giảm trong năm 2023 và tình thế ngắn hạn, phải đưa ra các giải pháp ngắn hạn. Phát triển bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới khoa học công nghệ là việc trung hạn và dài hạn. Nếu không tách bạch được hai nội dung này thì sẽ không đưa ra được giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tìm phương thức sản xuất hợp lý nhất. Nhưng về vĩ mô cần cân đối lãi suất, tỷ giá, cách tiếp cận vốn để duy trì ổn. Do đó, chúng ta phải phân biệt rõ giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trong khi đó, từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI, Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp SamSung Việt Nam đề xuất cải thiện môi trường đầu tư liên tục cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cần có chính sách hỗ trợ khác biệt hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia, tuyển dụng số lượng lớn, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ và đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam cần được phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ ngân sách từ nhà nước để các doanh nghiệp này có thể phát triển nhanh chóng, mau lẹ. Đề nghị có sự hỗ trợ và quan tâm từ Chính phủ, Quốc hội về ứng dụng công nghệ cao; đồng thời Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.