Thứ Hai vừa qua, ngân hàng Morgan Stanley công bố một trợ lý được tạo ra bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên ChatGPT thế hệ mới nhất của OpenAI. Trợ lý này giống như một “nhân viên sống”, sẽ hỗ trợ các cố vấn tài chính và các nhân viên trong ngân hàng.
Theo tờ CNBC, ông Andy Saperstein, Đồng chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley cho biết: “Các cố vấn tài chính vẫn luôn là trung tâm trong hệ sinh thái quản lý tài sản của Morgan Stanley. Chúng tôi cũng tin rằng AI sẽ cách mạng hoá các tương tác với khách hàng, mang lại những hiệu quả mới cho hoạt động tư vấn, và cuối cùng giúp các cố vấn tài chính có nhiều thời gian hơn để phục vụ khách hàng.”
Morgan Stanley là một ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu tại Mỹ. Vào hồi tháng Ba, ngân hàng này đã gây chú ý với giới tài chính khi thông báo về việc đang phát triển một trợ lý dựa trên ứng dụng GPT-4 của OpenAI. Theo Jeff McMillan, người đứng đầu bộ phận phân tích dữ liệu và đổi mới tại Morgan Stanley, các đối thủ cạnh tranh khác của Morgan Stanley như Goldman Sachs và JPMorgan Chase cũng từng thông báo về các dự án dựa trên công nghệ AI; nhưng Morgan Stanley là doanh nghiệp lớn đầu tiên ở phố Wall cho ra đời một giải pháp tùy chỉnh dựa trên GPT-4 dùng cho nhân viên của họ.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông McMillan cho biết với tên gọi Trợ lý AI @Morgan Stanley, công cụ này đã giúp các cố vấn tài chính truy cập nhanh chóng vào “nguồn vốn trí tuệ” của ngân hàng, đây là một cơ sở dữ liệu gồm khoảng 100.000 các báo cáo và dữ liệu nghiên cứu.
Đối với các cố vấn và nhân viên chăm sóc khách hàng của ngân hàng, họ có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian nhờ trợ lý AI khi trả lời các câu hỏi về thị trường, các khuyến nghị, và quy trình nội bộ. Nhờ vậy các nhân viên này có nhiều thời gian hơn để tương tác với khách hàng.
Giao tiếp như với con người
Theo ông McMillan, công cụ này có giao diện đơn giản, chỉ là một khung chat văn bàn, nhưng đảm bảo chương trình có thể cho ra những phản hồi chất lượng tới khách hàng. Ngân hàng Morgan Stanley đã giành nhiều tháng để quản lý dữ liệu, đồng thời cho các chuyên gia con người kiểm tra tính chính xác của phản hồi từ trợ lý AI.
Ông McMillan cũng chia sẻ, để sử dụng trợ lý AI, các cố vấn ngân hàng phải thay đổi đôi chút, tức là họ phải diễn đạt câu hỏi thành một câu hoàn chỉnh, giống như đang nói chuyện với con người, thay vì chỉ gõ những từ khóa như cách họ thường làm với các công cụ tìm kiếm.
McMillan phát biểu: “Việc đó không khác gì với cách tôi hỏi bạn một câu hỏi, bạn cũng cần nói chuyện với trợ lý này như vậy. Nhưng mọi người vẫn chưa quen lắm.”
Theo McMillan, đây chỉ là giải pháp đầu tiên trong một loạt những giải pháp dựa trên AI của Morgan Stanley. Ngân hàng đang thử nghiệm một công cụ có tên Debrief, có thể tự động tóm tắt nội dung cuộc họp với khách hàng, sau đó gửi email chứa nội dung tóm tắt này tới các thành viên sau cuộc họp.
Đột phá
Ông McMillan tiếp tục chia sẻ, việc sử dụng phần mềm OpenAI yêu cầu một cách tiếp cận hoàn toàn khác với các công nghệ trước đây, vì ứng dụng chat GPT của OpenAI sử dụng rất nhiều model ngôn ngữ (LLM) để tạo ra câu trả lời giống như con người.
Ông cho rằng: “Cách thức truyền thống để giải quyết những vấn đề này là lập trình. Nhưng trong thế giới mới hiện nay, bạn sẽ dạy hệ thống, ví dụ bạn sẽ đưa ra các ví dụ như thế nào mới là “good,” và hệ thống sẽ học được điều đó. Công nghệ AI thực sự có thể lý luận và áp dụng logic giống như con người.”
Sự có mặt của AI đã thúc đẩy thị trường chứng khoán năm nay, và buộc toàn bộ các ngành công nghiệp phải đối mặt với những tác động kéo theo của nó. Một số chuyên gia đã tuyên bố rằng đây là công nghệ nền tảng tiếp theo.
Ông McMillan nói: “Tôi chưa từng thấy điều gì như thế này trong sự nghiệp của mình dù đã làm về trí tuệ nhân tạo trong 20 năm. Chúng tôi đã nhìn ra một cánh cửa cơ hội hoàn toàn mang tính đột phá, và tôi cho rằng với tư cách một tổ chức, chúng tôi không muốn bị bỏ lại phía sau.”