Sự hợp tác này nhằm mục đích đào tạo lực lượng lao động thiết kế vi mạch tiên tiến và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng thiết kế khởi nghiệp tại Việt Nam. Đó cũng được coi là sự hỗ trợ cho chiến lược của Việt Nam nhằm phát triển lực lượng thiết kế vi mạch và cộng đồng khởi nghiệp có liên quan.

Kỳ vọng nào từ “cái bắt tay” của Synopsys?

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Synopsys ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Ảnh: VGP.

Theo đó, Synopsys sẽ cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm chương trình giảng dạy, tài nguyên giáo dục và chương trình “Đào tạo giảng viên” cho NIC để giúp thiết lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip. Còn NIC sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu CNTT để thành lập trung tâm ươm tạo, dự kiến sẽ mở cửa trong thời gian tới.

Synopsys là đối tác hàng đầu thế giới dành cho các công ty sáng tạo đang phát triển các sản phẩm điện tử và ứng dụng phần mềm. Là một công ty thuộc S&P 500, Synopsys có lịch sử lâu dài là công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và vi mạch bán dẫn, đồng thời cung cấp danh mục công cụ và dịch vụ kiểm tra bảo mật ứng dụng rộng nhất trong ngành. Synopsys có các giải pháp cần thiết để cung cấp các sản phẩm sáng tạo dành cho các nhà thiết kế hệ thống trên chip (SoC) tạo ra chất bán dẫn tiên tiến hay nhà phát triển phần mềm viết mã chất lượng cao và an toàn.

Theo các nhà phân tích trong ngành, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ các công ty bán dẫn toàn cầu trong bối cảnh có sự ổn định cao về chính trị, cùng với một nguồn nhân lực dồi dào và đặc biệt là dễ dàng tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ cao châu Á.

Samsung, nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới đã bắt đầu sản xuất các bộ phận bán dẫn tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2023, nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất của mình khi Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác tìm cách đa dạng hóa và hoàn thiện chuỗi cung ứng công nghệ.

Trước đó, gã khổng lồ chip của Mỹ là Intel cũng đang cân nhắc khoản đầu tư bổ sung trị giá 1,31 tỷ USD vào Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở này là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Intel, đóng góp tới 70% sản lượng toàn cầu của công ty.

Kỳ vọng nào từ “cái bắt tay” của Synopsys?

Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm từ các công ty bán dẫn toàn cầu.

Ngoài ra, các nhà sản xuất chip khác, bao gồm Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix và NXP Semiconductors cũng đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và nhà máy tại Việt Nam. Những công ty này đã đặt nền móng về cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần cũng như các trung tâm nghiên cứu, từ đó biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho các khoản đầu tư tiếp theo vào ngành.

Giờ đây, với cú bắt tay của Synopsys cùng Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam, mọi thứ được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển lực lượng lao động và các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn và phát triển sản phẩm tại Việt Nam, cũng như tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ nhằm nâng cao năng lực của hệ sinh thái đổi mới và ngành bán dẫn.

Điều này cũng được Tiến sĩ Robert Li, Phó Chủ tịch Kinh doanh của Synopsys Đài Loan và Nam Á khẳng định: “Trong những năm gần đây, Synopsys đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến cho các đối tác Việt Nam của chúng tôi để giúp họ tăng cường khả năng thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác với NIC sẽ không chỉ mang lại những công nghệ mới cho các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam mà còn mà còn ươm mầm tài năng trẻ và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam”.

Trong khi đó, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC cũng cho rằng: “Synopsys là công ty đi đầu trong lĩnh vực phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và đổi mới bảo mật phần mềm. Công nghệ thiết kế đẳng cấp thế giới của công ty sẽ mang lại lợi ích cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch NIC tại Việt Nam và cho phép các nhà thiết kế chip tương lai của chúng tôi được đào tạo về các xu hướng công nghiệp mới nhất. Toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác này”.

Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam (NIC) được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thành lập theo Quyết định số 1269/QD-TTg ngày 2 tháng 10 năm 2019, với sứ mệnh hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn, góp phần đóng góp mô hình tăng trưởng đất nước dựa trên khoa học và công nghệ.