Nhà đất bị thu hẹp vì khoảng lùi, hệ số xây dựng

11:12 - 01/12/2023

Đã gần 2 năm kể từ ngày Quyết định 56 về Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM có hiệu lực, đến nay nhiều người không dám xây nhà vì đất bị khoảng lùi, hệ số xây dựng “ăn” mất một diện tích không nhỏ.

Có đất không dám xây nhà

Có mặt tại hẻm 26, đường số 12, P.Tam Bình, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chúng tôi chứng kiến khu vực này có nhiều khu đất phân lô diện tích khoảng 50 m2, chiều ngang 5 m, chiều dài 10 m. Nhiều căn nhà đã xây dựng từ trước đó, nhưng cũng có nhiều căn mới xây gần đây. Trong khi những căn nhà xây dựng trước ngày Quyết định 56 có hiệu lực thì được xây hết đất với chiều cao một trệt, một lửng, hai tầng, một tum; thì các căn nhà mới xây phải lùi trước 2,4 m và lùi sau 1 m, khiến tổng thể thò ra thụt vào. Đáng nói, việc phải chừa khoảng lùi theo quy định mới khiến nhiều người cảm thấy không thỏa đáng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tường, một người dân ở đây, cho biết anh đã cho thiết kế xây dựng, nhưng khi nộp hồ sơ lên Phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Đức để xin giấy phép thì mới biết nhà anh bị bắt buộc lùi trước 2,4 m và lùi sau 1 m. Việc này khiến chiều dài căn nhà còn lại 6,6 m, rất khó để thiết kế, bố trí phòng ốc. “Dành dụm tiết kiệm mười mấy năm mới mua được lô đất định để xây nhà, an cư lạc nghiệp, nhưng trong khi nhà hai bên xây hết đất, còn tôi bị lùi trước, lùi sau rất thiệt thòi. Tôi giờ xây không được, ở không được, bán cũng không xong. Gia đình tôi vẫn phải ở trọ. Mong TP xóa bỏ các quy định không phù hợp thực tế để người dân chúng tôi được an tâm xây nhà cửa sinh sống”, anh Tường cho hay.

Nhà đất bị thu hẹp vì khoảng lùi, hệ số xây dựng

Dù có đất nhưng anh Tường (TP.Thủ Đức, TP.HCM) không dám xây nhà, phải đi ở trọ vì quy định mới bắt xây nhà phải lùi trước, lùi sau rất nhiều

ĐÌNH SƠN

Người dân tại đường 22, P.Linh Đông, TP.Thủ Đức cũng bức xúc về khoảng lùi, hệ số sử dụng đất đang được áp dụng nơi đây. Anh Cương có 100 m2 đất và dự kiến xây văn phòng công ty kết hợp làm nhà kho. Nhưng khi đi xin phép xây dựng, diện tích sàn giảm gần một nửa so với trước và so với những căn nhà cùng khu vực, nên anh đã dừng lại. “Nếu xây nhà, tôi chỉ xây dựng khoảng 1 trệt và một tầng rưỡi. Trong khi hai căn nhà hai bên đã xây dựng hoàn thiện cao một trệt, một lửng, ba lầu, một tum và không phải lùi trước, lùi sau. Điều này quá bất công với những người xây sau như chúng tôi”, anh Cương nói.

Theo quan sát của chúng tôi, những dãy nhà xây dựng trước khi Quyết định 56 có hiệu lực cao một trệt, một lửng, ba lầu, một tum. Nhưng khi Quyết định 56 có hiệu lực thì hệ số sử dụng đất nơi đây chỉ có 1,75 và buộc phải lùi trước 2,4 m và lùi sau 2 m. Nghĩa là một miếng đất rộng 100 m2, người dân chỉ được xây dựng tổng diện tích sàn sử dụng là 179 m2, tương đương một trệt và một tầng rưỡi.

Ông Duy Thành, ở xã Long Thới, H.Nhà Bè, cho biết khi đi xin phép xây dựng bị bắt lùi trước 4 m và lùi sau 2 m mặc dù đường rộng 7 m và vỉa hè cũng đã khá rộng đến gần 1 m. “Đất nhà tôi có 98 m2, nay lùi trước, lùi sau đến 6 m, mất gần hết đất khi diện tích được xây còn lại chỉ 30 m2. Quyết định 56 không phù hợp, không hợp lòng dân, gây khó khăn cho dân quá. Mong TP sớm nghiên cứu sửa lại Quyết định 56 cho phù hợp”, ông Duy Thành kiến nghị.

Cần nhanh chóng sửa Quyết định 56

Theo luật sư (LS) Hoàng Thu (Đoàn LS TP.HCM), Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01 quy định về khoảng lùi công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất… Quyết định 56 của TP.HCM là không đúng với tinh thần thông tư. Bởi với Quyết định 56, diện tích khu đất càng nhỏ thì mật độ xây dựng ít hơn lô đất lớn. Những lô đất ở khu vực phân lô bán nền có diện tích 50 m2 thì mật độ bị giảm đến 34%. Có nhiều khu vực hệ số sử dụng đất hiện tại rất thấp trong khi tinh thần của Thông tư 01 hướng tới những lô đất rất lớn để đảm bảo PCCC, thoáng khí. Khi chủ đầu tư có nhu cầu lập dự án nhà ở cao tầng sẽ sử dụng hệ số sử dụng đất để khống chế quy mô dân số. Còn đối với nhà ở riêng lẻ thì sẽ khống chế bằng chiều cao công trình, mật độ xây dựng và khoảng lùi công trình, không áp dụng hệ số sử dụng đất. Vì vậy, việc TP.HCM áp dụng hệ số sử dụng đất cho lô đất riêng lẻ là không hợp lý.

“Nhu cầu ở của TP.HCM rất lớn và luôn nằm trong top đầu cả nước. Đáng lẽ một thửa đất (không nằm trong những khu vực có yêu cầu đặc biệt) khi người dân xây dựng nhà ở, phải được tạo điều kiện tối đa về không gian được quy định trong luật Xây dựng, Thông tư 01, trong quy hoạch chung của TP.HCM thì nay lại giới hạn rất nhiều. Điều này khiến hiệu quả của việc sử dụng đất phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công việc của các hộ gia đình bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống, kinh tế của người dân. Mục đích của Quyết định 56 là giúp TP đồng bộ, đẹp; nhưng khi triển khai thực tế thì phát sinh nhiều vấn đề chưa phù hợp, không sát dân, thậm chí gây thiệt hại cho người dân nên cần sửa đổi cho phù hợp”, LS Hoàng Thu nêu quan điểm.

Thấy được những bất cập trên, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản gửi Sở QH-KT để góp ý sửa đổi, bổ sung Quyết định 56 cho phù hợp thực tế. Theo văn bản này, quy định khoảng lùi phía sau của nhà liên kế đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 50 m2 phải lùi sau từ 1 – 2 m. Điều này dẫn đến diện tích xây dựng bị nhỏ lại, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Hơn nữa, các khu vực hiện hữu, ổn định thì quy định về khoảng lùi sau cũng không tạo được sự đồng bộ, thống nhất. Chính vì vậy, theo ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cần xem xét điều chỉnh quy định khoảng lùi phía sau chỉ nên áp dụng đối với khu vực đô thị mới, khu vực nhà ở hiện hữu trong đô thị có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang. Đối với quy định về chiều cao tối đa cũng cần phải rà soát những sai sót để đính chính, điều chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường.

Quyết định 56 qua thực tế áp dụng đã phát huy hiệu quả trong việc cụ thể hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc phù hợp với điều kiện thực tế của TP.HCM.

Tuy nhiên, cũng còn một số nội dung chưa phù hợp thực tiễn và một số nội dung có sai sót trong quá trình soạn thảo, đánh máy, in ấn. Do đó cần thiết phải thực hiện rà soát để đính chính hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...