Lãi suất của gói này thấp hơn 1,5 – 2% so với lãi vay thương mại thông thường. Thực chất đây vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi, do vẫn hơn mức vay nhà ở xã hội trước đó. Trong khi thời hạn ưu đãi cũng ngắn (5 năm) và lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần, gây bất an cho người vay.
Do đó, để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà xã hội giai đoạn 2021 – 2030, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỉ đồng.
Được biết gói tín dụng này từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội hồi tháng 2. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8 – 5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm. Gói tín dụng này giống gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 – 2016. Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi. Còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại cho vay. Tuy nhiên đến tháng 3, Bộ Xây dựng cho biết đã tạm dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội để cùng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 120.000 tỉ đồng cũng để phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng nhằm góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.
Theo đó, 20 tỉnh (Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Bắc Giang, Tây Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Thuận) đã công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỉ đồng. Trong đó, 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay vốn là 24.655 tỉ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay vốn là 1.229 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83,1/1.095 tỉ đồng. Bao gồm Công ty Minh Phương tại tỉnh Phú Thọ được giải ngân 23,7/95 tỉ đồng, Công ty Kinh Bắc tại tỉnh Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỉ đồng, liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu tại TP.Hà Nội được giải ngân 13,4/950 tỉ đồng.