Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã thông tin về 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thông tin được đưa ra tại “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”. Diễn đàn do Báo Xây dựng tổ chức tại TP HCM chiều 18/1.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, có thể nói dù đã có những dấu hiệu tích cực hơn vào cuối năm nhưng nhìn tổng thể năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Cụ thể, thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tại Nghị quyết số 33/NĐ-CP của Chính phủ; Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023; Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Giải pháp về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững tại Công điện số 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp lý cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, thời gian qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Về các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ cũng đã tích cực trình Quốc hội 4 dự án Luật lớn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ ba, cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp. Về trái phiếu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 với nhiều điểm mới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có thêm phương án xử lý trái phiếu, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo hết sức quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 01, phấn đấu 2024 hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Thúc đẩy các phân khúc của thị trường bất động sản tốt lên.
Thứ năm, triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ tinh thần Nghị quyết 33, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án của các doanh nghiệp gặp khó.
Để thị trường bất động sản tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm bất động sản, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển bền vững.
Được biết, trong quý IV/2023, về nguồn cung nhà ở thương mại đã hoàn thành 29 dự án với quy mô khoảng 13.646 căn (tăng 38,1% so với quý III/2023); cấp phép mới 20 dự án với quy mô khoảng 11.539 căn (tăng 33% so với quý III/2023); đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai 47 dự án với quy mô khoảng 14.566 căn (ngang bằng với quý III/2023); đang triển khai 854 dự án với quy mô khoảng 402.570 căn (ngang bằng so với quý III/2023).
Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trong quý IV/2023 (có 16 dự án, 9.302 căn): Đã hoàn thành 7 dự án với quy mô 4.019 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 9 dự án với quy mô 5.283 căn. Trong năm 2023 (44 dự án, 36.626 căn): Đã hoàn thành 28 dự án với quy mô 13.864 căn, đã được cấp phép, khởi công xây dựng 16 dự án với quy mô 22.398 căn. Trong giai đoạn 2021 – 2023 (495 dự án, 402.898 căn): Đã hoàn thành 70 dự án với quy mô 35.566 căn; đã khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô 107.896 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư mới 298 dự án với quy mô 259.436 căn.
Về dư nợ tín dụng bất động sản, tính đến ngày 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỷ đồng. Tức là so với giai đoạn trước bắt đầu tăng lên, nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản thì theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong cả năm 2023 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản là 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng giá trị; tăng 40,8% so với năm 2022)./.
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...