Tổ chức này cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài cần sổ hồng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp. Sau khi rót tiền vào thị trường bất động sản bằng cách mua nhà, nếu không được cấp sổ, nhà đầu tư không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh quyền sở hữu nhà. Do đó, họ cũng sẽ không có quyền bán nhà cho người khác, dẫn đến khả năng hoàn vốn, thu lợi nhuận bị trì hoãn hoặc thất bại.
Chính vì vậy, EuroCham khuyến nghị các địa phương cần sớm ban hành danh mục dự án không cho phép người nước ngoài được mua nhà. Bởi nếu không có danh mục dự án này, các cơ quan có thẩm quyền có thể bị nhầm lẫn trong việc cấp hoặc trì hoãn việc cấp sổ hồng cho người nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở tại dự án nhà ở thương mại trong khu vực không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Người nước ngoài không được sở hữu quá 30% căn hộ trong một tòa chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà ở liền kề) thì không quá 250 căn riêng lẻ trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường. Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tối đa 50 năm, gia hạn một lần trong thời hạn 50 năm.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thông báo các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để UBND cấp tỉnh xác định và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử và cơ quan quản lý nhà ở của tỉnh danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở.
Bộ Xây dựng cho biết, kể từ khi luật Nhà ở có hiệu lực và cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đến nay chỉ có hơn 3.500 tổ chức, cá nhân được mua nhà. Phần lớn tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Người mua chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malaysia.
Đến nay chỉ có Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan đầu tiên công bố danh sách căn hộ đã được cấp sổ hồng cho người nước ngoài. Do vậy, EuroCham kỳ vọng với tiền lệ này, việc cấp sổ hồng cho người nước ngoài đủ điều kiện cũng sẽ sớm được triển khai ở các tỉnh thành còn lại trong cả nước.