Kết quả, theo ông Hưng, ngoài rác thải dưới rừng ngập mặn, tại bờ kè ngoài đê gần khu vực cống đê biển Cầm Cập tiếp giáp với địa bàn Q.Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng có tình trạng đổ trộm rác thải, trong đó có nhiều lọ, ống thủy tinh trên vỏ ngoài dán nhãn mác ghi chữ nước ngoài, nhìn qua đúng là rất giống rác thải y tế.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu sơ bộ, chính quyền P.Tân Thành nghi đây là các loại vỏ thuốc kháng sinh, kháng khuẩn do nước ngoài sản xuất dùng trong nuôi trồng thủy sản do ai đó đổ trộm sau khi đã sử dụng. Nhưng để xác định đây có phải là rác thải nguy hại hay không và biện pháp xử lý ra sao, UBND P.Tân Thành sẽ báo cáo và chờ ý kiến chỉ đạo của UBND Q.Dương Kinh.
Lý giải tình trạng rác thải bủa vây rừng ngập mặn cũng như để xảy ra tình trạng rác thải các loại đổ ngoài đê biển, theo UBND P.Tân Thành, địa phương có khoảng 200 ha rừng ngập mặn được trồng ngoài đê biển Cầm Cập từ hàng chục năm về trước.
Thời điểm trước năm 2021, TP.Hải Phòng có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên trong tổ thu gom rác, bảo vệ rừng nên rác trôi từ biển vào đến đâu đều được thu gom đến đó, đặc biệt tình trạng đổ trộm rác thải ra ngoài đê không có. Tuy nhiên, từ năm 2021 trở lại đây, kinh phí hỗ trợ không còn, tổ bảo vệ, thu gom rác dừng hoạt động, dẫn đến tình trạng nói trên.
Trước đó, những ngày cuối tháng 7 vừa qua, tiếp nhận phản ánh của người dân Q.Dương Kinh về tình trạng rác thải bủa vây cánh rừng ngập mặn ven biển, phía ngoài đê Cầm Cập thuộc địa bàn P.Tân Thành, trong đó có cả rác thải y tế, PV Báo Thanh Niên đã về hiện trường ghi nhận.
Dưới cánh rừng xanh tốt là cả "biển" rác các loại, gồm: phao xốp, túi ni lông, chai thủy tinh, rác thải xây dựng và rác thải sinh hoạt, bàn thờ gỗ hư hỏng, bát nhang... Có điểm rừng, rác chất dày hơn nửa mét, bước chân lên không hề bị lún. Đặc biệt, dưới vệ đê cách cống đê biển Cầm Cập không xa, có nhiều ống, lọ bằng thủy tinh ghi chữ nước ngoài đã được cạy nắp, có mùi khó chịu, nhìn rất giống rác thải y tế, vứt thành đống.