Theo người dân P.Tân Thành, cánh rừng ngập mặn ngoài đê biển Cầm Cập được tổ chức chữ thập đỏ của Nhật Bản hỗ trợ kinh phí cho Hội Chữ đỏ Việt Nam trồng trong giai đoạn 1997 - 2015, nhằm giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Rừng được trồng chủ yếu các loại cây bần, trang, sú. Đây là các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển nhanh nên sau một thời gian, cả bãi triều ngoài đê biển đã được phủ xanh, biến thành thảm thực vật tươi tốt, cao tới 10 m.
Dưới tán rừng, nhiều người dân địa phương ngày ngày lặng lẽ bám rừng, lựa theo con nước thủy triều lên xuống để kiếm kế sinh nhai.
Tuy nhiên, gần đây, một lượng rác rất lớn đủ các loại từ biển và theo dòng nước lũ trên các con sông nằm sâu trong đất liền đổ ra cửa biển, sau đó sóng biển đánh dạt vào các cánh rừng ngập mặn ven biển, trong đó có rừng ngập mặn trên địa bàn Q.Dương Kinh.
Ngoài lượng rác nêu trên, còn có hiện tượng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chai lọ thủy tinh và thậm chí có cả rác thải y tế cũng tràn lan xuống vệ đê phía ngoài biển, nơi bìa rừng.
Tình trạng rác thải "bao phủ" rừng ngập mặn không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường, sự sinh trưởng và phát triển của cây rừng mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như an toàn của người dân bám rừng mưu sinh.
Khảo sát nhanh của PV cho thấy, hiện tượng rác bủa vây rừng ngập mặn còn xuất hiện tại cánh rừng ngập mặn của Q.Đồ Sơn và 2 huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng.
Ngày 5.8, ông Vũ Văn Phương, Chủ tịch UBND Q.Dương Kinh, cho biết từ cuối tháng 7, sau khi nhận được thông tin từ PV Báo Thanh Niên, quận này đã chỉ đạo UBND P.Tân Thành kiểm tra và có phương án xử lý.
Tuy nhiên, ông Phương xác nhận, đến hôm nay 5.8, số rác thải y tế nói trên vẫn còn tồn tại và các quận đang giao các đơn vị chức năng vào cuộc.