Anh Nguyễn Văn Duy, người dân địa phương, cho biết chiều 9.8, khu vực gần đập Phú Lâm, sông Ngũ Huyện Khê có nhiều loại cá dồn về. Đa số các loại cá này đã yếu, bơi lờ đờ trên mặt nước nên người dân rủ nhau ra vớt. Hôm sau (10.8) cá bắt đầu chết nhiều, nổi trắng hàng chục mét và bốc mùi hôi thối.
"Khi cá bắt đầu chết thì nước sông vẫn khá trong nhưng đến hôm nay nước đã chuyển màu đen. Chúng tôi nghi ngờ khúc sông chảy qua P.Phong Khê (TP.Bắc Ninh) có nhiều nhà máy tái chế giấy xả nước thải ra sông dẫn đến cá chết và dồn về khu vực đập Phú Lâm", anh Duy nói và cho hay cá chết được người dân vớt về để bón gốc cây.
Liên quan đến sự việc trên, ông Ngô Lương Xuân, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lâm, cho biết hiện tượng cá chết xuất hiện khoảng 3 ngày nay. Theo thống kê sơ bộ, số lượng cá chết khoảng 2 - 3 tấn.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bắc Ninh, cho biết sáng nay đơn vị đã cử cán bộ về xã Phú Lâm kiểm tra. Nguyên nhân ban đầu do tuần trước trời nắng nóng, cá dồn lại khu vực đập Phú Lâm bị thiếu ô xy nên xảy ra hiện tượng chết hàng loạt.
Sông Ngũ Huyện Khê là một nhánh của sông Đuống, bắt đầu từ địa phận H.Đông Anh (Hà Nội) và chảy vào tỉnh Bắc Ninh tại TP.Từ Sơn, qua H.Yên Phong, H.Tiên Du và TP.Bắc Ninh rồi đổ vào sông Cầu với tổng chiều dài qua địa phận tỉnh Bắc Ninh khoảng 24 km.
Sông có chức năng tiêu thoát và cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều năm qua, con sông này được ví như "con sông chết" vì liên tục bị "đầu độc" bởi những cơ sở tái chế giấy ở khu vực hạ lưu thuộc các địa bàn xã Phú Lâm (H.Tiên Du), P.Phong Khê (TP.Bắc Ninh).
Cách đây khoảng 3 tháng, Báo Thanh Niên cũng đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại khu vực xã Phú Lâm và P.Phong Khê khi ngày ngày bị hàng trăm cơ sở tái chế giấy "bức tử" môi trường, trong đó có sông Ngũ Huyện Khê.
Số lượng cá chết ước tính khoảng 2 - 3 tấn
LÊ DŨNG