Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT đến tháng 9.2023, cả nước có hơn 600 chương trình liên kết quốc tế (LKQT) bậc ĐH. Trong một tọa đàm về LKQT với nước ngoài tại VN có sự tham gia của Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2022, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết trong số hàng trăm chương trình LKQT như vậy, có tới 62,71% cơ sở ĐH đối tác không được xếp hạng hoặc nằm ngoài top 1.000 trường ĐH trên thế giới.
Mới đây, trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận định: "Hiện nay các chương trình LKQT ồ ạt ra đời, không phân loại chất lượng. Theo luật Giáo dục ĐH, các cơ sở tự chủ được tự phê duyệt các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Việc cho các trường tự chủ song lại thiếu chế tài giám sát, đánh giá, xếp hạng dẫn đến sự ra đời ồ ạt của các chương trình LKQT có tình trạng vàng thau lẫn lộn".
Ông Thành cho rằng trên website của Bộ GD-ĐT cũng chưa có danh sách các chương trình liên kết nước ngoài đã được phê duyệt nên học sinh gặp khó khăn khi tìm kiếm các thông tin chính thống, khách quan và phụ huynh cũng bối rối khi không biết đâu là chương trình uy tín, có chất lượng để định hướng cho con em theo học.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có danh sách các chương trình LKQT được Bộ GD-ĐT phê duyệt đến năm 2017 với 299 chương trình của 84 cơ sở giáo dục ĐH, do Cục Hợp tác đào tạo với nước ngoài (nay là Cục Hợp tác quốc tế) công bố và được Trung tâm quản lý văn bằng, Cục Quản lý chất lượng đăng tải lại. Ở phần ghi chú có nêu rõ chương trình nào đã hết hạn tuyển sinh, chương trình nào đã chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên khi tìm kiếm danh sách cập nhật đến thời điểm hiện tại thì không thấy có ở bất cứ trang web nào.
TIÊU CHÍ CHẤT LƯỢNG PHẢI ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU
Theo PGS-TS Lê Trung Thành, đối với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tiêu chí quan trọng nhất khi liên kết là vị thế, chất lượng của đối tác. "Đối tác liên kết cần uy tín, nghiêm túc và nằm trong hệ thống giáo dục chính thống được công nhận của nước sở tại. Thứ hạng của đối tác cũng là một yếu tố chúng tôi tham khảo. Trường cũng ưu tiên liên kết với các nước có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Tiêu chí tiếp theo là đối tác có thể cung cấp nhiều sự hỗ trợ trong đào tạo, trao đổi giảng viên và công tác bảo đảm chất lượng đào tạo. Chương trình của họ được kiểm định tại nước sở tại hoặc kiểm định quốc tế cũng là yếu tố để lựa chọn", ông Thành chia sẻ.
PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay: "Đối với Trường ĐH Bách khoa, trước khi có quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM về vấn đề liên kết đào tạo, chúng tôi đã đặt ra quy định chương trình của đối tác phải được kiểm định hoặc đối tác phải được xếp hạng. Chất lượng đào tạo phải được chú trọng chứ không phải là tuyển thật nhiều rồi sau 1, 2 năm khi sinh viên chuyển tiếp ra nước ngoài là xong việc. Liên kết với các trường ĐH lớn trên thế giới cũng chính là một cách để nâng cao chất lượng đào tạo trong nước".
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định bất cứ chương trình đào tạo nào, dù trong nước hay LKQT, thì chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
CÓ CẦN KIỂM ĐỊNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH LKQT ?
Từ thực trạng trên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng Bộ GD-ĐT rất cần quan tâm đến chất lượng đào tạo các chương trình liên kết thông qua việc có một thông tư quy định cụ thể, làm sao để cơ sở giáo dục phải thể hiện rõ trách nhiệm giải trình và bảo đảm được chất lượng; đồng thời phải có cơ chế giám sát để kiểm soát được chất lượng.
"Đối với chương trình liên kết đào tạo hoàn toàn tại VN, do VN tổ chức thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật VN, đó là vấn đề kiểm định để bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền lợi cho người học. Hiện chúng ta mới chỉ có quy định kiểm định các chương trình trong nước. Như vậy muốn kiểm định chương trình LKQT thì phải có những điều chỉnh phù hợp trong các tiêu chí, tiêu chuẩn", tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính đề nghị.
PGS-TS Lê Trung Thành cho rằng nếu có quy định phải kiểm định các chương trình LKQT thì khó vì trường ĐH VN không có cấp bằng. "Bộ nên quy định khi liên kết, bắt buộc các chương trình này phải được đối tác kiểm định. Nếu không thì không được liên kết", ông Thành nhấn mạnh.
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định: "Có thể sắp tới dự thảo thông tư của Bộ về LKQT sẽ yêu cầu kiểm định chương trình LKQT để tạo hàng rào hạn chế các chương trình kém chất lượng, nhưng việc kiểm định sẽ thực hiện ra sao vì có rất nhiều loại liên kết. Với chương trình đào tạo hoàn toàn trong nước (4+0) thì còn có thể kiểm định, còn các chương trình 1+3, 2+2, 3+1... sẽ rất khó. Chưa kể có nhiều trường ĐH lớn, uy tín trên thế giới không quan tâm vấn đề kiểm định, vậy làm sao yêu cầu được họ khi mà trường ĐH VN gần như là cần họ nhiều hơn?".
PGS-TS Trần Thiên Phúc cũng cho rằng khó có thể kiểm định chương trình của nước ngoài vì đối tác không yêu cầu kiểm định, chỉ có thể thực hiện kiểm định với chương trình đào tạo hoàn toàn tại VN. "Vì thế, để đảm bảo chất lượng, Bộ chỉ nên quy định trường ĐH nào muốn đào tạo chương trình LKQT thì phải chọn chương trình đã được nước ngoài kiểm định hoặc đối tác là cơ sở giáo dục đã được xếp hạng. Ngoài ra, mặc dù các trường tự chủ tại VN được tự phê duyệt chương trình liên kết, nhưng cũng phải kèm theo các quy định ràng buộc về cơ sở vật chất, giảng viên... để đảm bảo chất lượng", PGS-TS Phúc cho hay.
Chờ dự thảo thông tư về LKQT
GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết Cục đang chờ dự thảo thông tư về liên kết đào tạo quốc tế được ban hành để có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể về vấn đề kiểm định.
"Từ quy định trong thông tư, sẽ nhóm thành từng loại liên kết. Loại liên kết nào cần bắt buộc phải kiểm định, loại liên kết nào không cần mà là điều kiện cần và đủ trước khi liên kết, lúc đó Cục Quản lý chất lượng mới tham mưu để triển khai, thực hiện cụ thể đối với các chương trình đào tạo liên kết".
Theo GS-TS Huỳnh Văn Chương, không phải tất cả chương trình LKQT đều phải kiểm định lại, vì rất nhiều chương trình đào tạo khi làm đề án đã bắt buộc điều kiện cứng phải đạt kiểm định chất lượng ở nước sở tại hoặc cả hai phía rồi mới được phép liên kết.