Tại ĐH Chodang, các cán bộ của Trung tâm CEE, DTU đã tham gia vào nhiều khóa đào tạo quan trọng, bao gồm:
- Đào tạo lý thuyết cơ bản về máy bay không người lái: Giới thiệu tổng quan về UAV, về các kiến thức cơ sở về khí động lực học, về module điều khiển sử dụng UAV;
- Đào tạo thiết kế UAV cánh cố định VTOL trên phần mềm Catia V5:
- Được giới thiệu những kiến thức cơ sở về phần mềm Catia V5,
- Đào tạo sử dụng các module thiết kế trên phần mềm Catia (part design, assembly design, drafting),
- Đào tạo xuất file từ Catia V5, sử dụng máy in 3D (vật liệu nhựa ABS), máy cắt CNC (vật liệu ván ép, carbon);
- Đào tạo chế tạo thực tế UAV VTOL:
- Được thực hành chế tạo vỏ UAV bằng vật liệu composite,
- Được giới thiệu vật liệu, kỹ thuật và phương pháp gia công khung vỏ UAV;
- Đào tạo lắp ráp và cài đặt điều khiển UAV: Giới thiệu về quy trình lắp ráp UAV sau khi hoàn thiện và hướng dẫn cài đặt điều khiển UAV;
- Đào tạo mô phỏng bay tại phòng lab và bay thực tế: Được đào tạo kiến thức điều khiển UAV trên phần mềm RealFlight 8 và bay thử nghiệm UAV của Trung tâm Đào tạo UAV.
Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm CEE đã nhận được 2 chứng chỉ quan trọng về Thiết kế UAV loại 1 và Chế tạo UAV loại 1.
Ngay khi trở lại ĐH Duy Tân, các cán bộ của Trung tâm CEE cũng đã thiết kế và chế tạo thành công một mô hình drone để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Duy Tân. Mô hình drone này là UAV cánh cố định VTOL (Vertical Take-off and Landing Fixed Wing, có sự kết hợp giữa UAV cánh cố định và UAV có nhiều động cơ cánh quạt). Mô hình drone được thiết kế dựa trên mẫu F250 đuôi V và được đặt tên là DTU-Falcon-1. Mô hình được chế tạo bằng vật liệu composite với kích thước là 2550x1500x533mm và trọng lượng khoảng 10kg.
Cùng với việc tham gia vào khóa đào tạo chuyên môn, các cán bộ của Trung tâm CEE còn có cơ hội trải nghiệm bay trên máy bay hạng nhẹ Diamond DA40, đồng thời giao lưu với giảng viên và sinh viên của ĐH Chodang, tham gia vào các hoạt động khác như thưởng thức trà đạo Hàn Quốc, trải nghiệm võ Taekwondo và tham quan khám phá nhiều nét độc đáo khác trong văn hóa Hàn Quốc.
Trở về từ ĐH Chodang, ThS Nguyễn Ngô Anh Quân - 1 trong 6 cán bộ của Trung tâm CEE được cử đi tập huấn cho biết: "Ở Trung tâm CEE, chúng tôi cũng rất quan tâm về lĩnh vực UAV nhưng mới dừng ở nghiên cứu các loại Thiết bị bay Đa cánh dạng như Flycam. Bởi vậy, khóa tập huấn thiết kế VTOL lần này thực sự rất có ý nghĩa đối với bản thân chúng tôi nói riêng và cả Trung tâm nói chung. Với thiết kế nhỏ gọn và tính năng độc đáo, các thiết bị bay không người lái như UAV, Drone hay Flycam đã và đang được sử dụng trong mọi lĩnh vực, mang lại những hiệu quả nhất định như: khảo sát địa hình, hỗ trợ công tác cứu nạn cứu hộ, quay phim và chụp ảnh,... Bởi vậy, thông qua khóa tập huấn lần này, chúng tôi đã thu nhận được rất nhiều kiến thức mới về quy trình thiết kế và chế tạo UAV kiểu mới, đồng thời nâng cao được các kỹ năng thực nghiệm.
Không chỉ ở ĐH Duy Tân mà những kiến thức về UAV này cũng còn khá mới ở Việt Nam, thế nên đây cũng là động lực để chúng tôi sử dụng những kiến thức - kỹ năng đã tích lũy được để tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu với mong muốn có thể thiết kế và chế tạo ra nhiều dạng thiết bị bay không người lái khác nhau vừa phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu ở nhà trường vừa hướng tới việc thương mại hóa để phục vụ thêm nhiều nhu cầu ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hiện đại".
Đợt tập huấn này đã mang lại nhiều lợi ích cho Trung tâm CEE của ĐH Duy Tân và củng cố thêm mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với ĐH Chodang, 1 trong 3 trường hàng đầu về đào tạo ngành hàng không của Hàn Quốc. Các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm CEE đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng mới về thiết kế, chế tạo và điều khiển UAV, đồng thời mô hình drone chế tạo thành công cũng sẽ giúp ích nhiều cho công tác giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Duy Tân. Đây là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực UAV cũng như hợp tác quốc tế của nhà trường.