Ngày 7.7, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Môi trường (NN-MT) tỉnh Cà Mau, cho biết, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải tự xây dựng phương án giá xử lý rác dựa trên công nghệ đang áp dụng, kèm theo đầy đủ chứng từ, hồ sơ chứng minh từng yếu tố hình thành giá. Sau đó, phương án này mới được thẩm định và trình UBND tỉnh ban hành.

Tỉnh Cà Mau phải kích hoạt hệ thống chôn lấp dự phòng để ứng phó trước nguy cơ ùn ứ rác diện rộng
ẢNH: G.B
Hiện nhà máy rác của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) đã đề xuất đơn giá mới là 478.000 đồng/tấn. Mức giá này được Hội đồng thẩm định đánh giá là "hợp lý" trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp vẫn chưa nộp đủ chứng từ hợp lệ cho từng khoản mục theo quy định, dẫn đến việc hồ sơ không đủ điều kiện trình UBND tỉnh xem xét, ban hành đơn giá mới.
"Cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay phần việc này cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã yêu cầu bổ sung nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa đầy đủ", ông Dũng nói.
Trong lúc chờ nhà máy hoàn thiện thủ tục, Sở NN-MT Cà Mau đã triển khai các biện pháp khẩn cấp để ứng phó tình trạng không nơi xử lý rác tập trung. Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh được giao vận hành hai hố chôn lấp rác dự phòng bằng máy bơm di động công suất lớn, dự kiến tiếp nhận rác trong vòng 6 tháng cho khu vực nội ô TP.Cà Mau (cũ) và toàn bộ địa bàn H.Đầm Dơi (cũ).

Sở NN-MT cũng đang kích hoạt thêm một hố chứa khác có thể tiếp nhận rác thêm 6 tháng tiếp theo
ẢNH: G.B
"Sở cũng đang kích hoạt thêm một hố chứa khác có thể tiếp nhận rác thêm 6 tháng tiếp theo. Như vậy, trong khoảng một năm tới, tỉnh sẽ không bị động với lượng rác phát sinh", ông Dũng cho hay.
Đối với các huyện khác, giải pháp tạm thời là chôn lấp tại chỗ. Rác thải sinh hoạt từ các xã, thị trấn của Thới Bình (cũ), H.U Minh (cũ), H.Cái Nước (cũ) và H.Trần Văn Thời (cũ) sẽ được xử lý ngay tại địa bàn. Trong khi đó, H.Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển (cũ) sẽ vận chuyển rác về bãi chôn lấp TT.Gạch Gốc (nay là xã Phan Ngọc Hiển) để xử lý tạm thời.
Về dài hạn, Sở NN-MT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty Công Lý rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện phương án giá, đồng thời chuẩn bị quỹ đất chôn lấp quy mô lớn tại các vị trí đã quy hoạch như: xã Khánh An (50ha), xã Lâm Hải (20ha) và xã Tân Thuận (20ha). Ngoài ra, Sở cũng đang tham mưu UBND tỉnh mời gọi đầu tư xây dựng thêm nhà máy xử lý rác mới tại các khu vực đã được quy hoạch sẵn, tránh phụ thuộc vào một đơn vị như hiện nay.

Trong khoảng một năm tới, tỉnh sẽ không bị động với lượng rác phát sinh
ẢNH: G.B
Như Thanh Niên thông tin, trước đó, Công ty Công Lý có văn bản thông báo tạm ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt từ 0 giờ ngày 16.6. Lý do tạm dừng là đơn giá xử lý rác hiện hành đã áp dụng suốt 10 năm, không còn phù hợp với thực tế chi phí.
Đại diện Công ty Công Lý cũng cho biết, công ty đã hoàn tất các thủ tục xây dựng và đề xuất đơn giá xử lý rác mới từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng thẩm định và ban hành. Việc kéo dài này khiến nhà máy xử lý rác thải không thể tiếp tục vận hành với mức giá cũ.