Thông tư mới nhưng rất khó để thay đổi
Bộ GD-ĐT đã có 3 lần thay đổi về cách thức lựa chọn sách giáo khoa ở các nhà trường với các thông tư gồm: Thông tư 1 năm 2020 (áp dụng cho lớp 1); Thông tư 25 năm 2020 áp dụng cho các lớp 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 và bây giờ là Thông tư số 27 năm 2023. Thông tư số 27 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12.2, chính thức trả lại quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường.
Với các thông tư trên, việc lựa chọn sách giáo khoa những năm qua khiến cho giáo viên khá mệt mỏi và mang tính hình thức nhiều hơn. Đến thời điểm này, mọi sự thay đổi không còn thực sự cần thiết vì cơ bản các trường đã lựa chọn hoặc đang dạy bộ sách từ nhiều năm qua nên rất khó để giáo viên chọn lại bộ sách khác, bất kể Thông tư 27 của Bộ GD-ĐT năm 2023 cho phép nhà trường lựa chọn, quyết định sách giáo khoa để giảng dạy.
Rất ít giáo viên đọc hết bộ sách giáo khoa
Dù Bộ GD-ĐT ban hành 3 thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong 4 năm qua, nhưng quy trình thực hiện đều giống nhau.
Cụ thể, các nhà xuất bản sách giáo khoa (đơn vị chủ quản những bộ sách Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo) sẽ gửi link sách giáo khoa về địa phương và chuyển đến trường.
Giáo viên được hướng dẫn đọc sách giáo khoa mẫu bằng file PDF rồi làm phiếu nhận xét ưu điểm, hạn chế của từng bộ sách. Về lý thuyết, điều này giúp cho giáo viên được đọc, đánh giá từng bộ sách và đưa ra quyết định bỏ phiếu lựa chọn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công việc này đang được thực hiện một cách hình thức.
Rất ít giáo viên đọc hết các sách giáo khoa vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là có quá nhiều bộ sách. Vì vậy, phần lớn phiếu nhận xét sách giáo khoa được nộp lên trên là "nhân bản" từ người này sang người khác. Thậm chí, nhiều giáo viên lên mạng internet tải về chỉnh sửa vài chữ để nộp cho tổ trưởng chuyên môn. Tổ chuyên môn tập hợp lại và gửi cho nhà trường.
Sau đó, giáo viên sẽ tham gia hội thảo giới thiệu sách giáo khoa của các nhà xuất bản, mỗi môn học của mỗi bộ sách với thời lượng 30 phút trực tuyến, lặp lại từ năm này qua năm khác. Trong hội thảo, các tác giả sách giáo khoa chỉ liệt kê tên bài học, chủ đề và nhấn mạnh ưu điểm của sách giáo khoa mình biên soạn. Các tác giả lồng ghép giới thiệu một số sách bổ trợ, sách bài tập để giáo viên có thể tìm mua để tham khảo làm đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ.
Rõ ràng hội thảo giới thiệu sách giáo khoa hiện nay cho thấy nhiều bất cập. Mỗi môn học chỉ được giới thiệu trong vòng 30 phút. Đi dự hội thảo giới thiệu sách giáo khoa đồng nghĩa giáo viên phải bỏ lớp, cho học sinh tự quản. Điều này đồng nghĩa giáo viên và học sinh bị mất nhiều giờ dạy và học.
Khả năng lựa chọn sách giáo khoa khác rất ít
Việc lựa chọn sách giáo khoa làm tốn kém công sức, lãng phí thời gian của giáo viên đang kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn. Bởi ngoài việc nhận xét sách giáo khoa, tổ trưởng chuyên môn còn phải hoàn thành hồ sơ để gửi cho nhà trường.
Tổ trưởng chuyên môn phải đọc sách giáo khoa mẫu, xây dựng kế hoạch lựa chọn sách; làm phiếu nhận xét cá nhân (ít nhất là 3 bộ). Tiếp đó, tổ chuyên môn tổ chức họp để giáo viên nhận xét ưu điểm, hạn chế từng bộ sách rồi tiến hành bỏ phiếu chọn. Tổ trưởng chuyên môn phải thống kê phiếu, hoàn thiện biên bản tổ chuyên môn và báo cáo lên ban giám hiệu. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường lại tiến hành họp để lựa chọn sách giáo khoa cho đơn vị mình và hoàn thiện thêm rất nhiều hồ sơ khác.
Trong khi đó, lựa chọn sách giáo khoa nào thì cơ bản năm đầu tiên tổ chuyên môn, nhà trường đã lựa chọn hoặc UBND tỉnh, thành phố đã chọn. Giáo viên đã dạy bộ sách đó từ 2-4 năm, chẳng lẽ năm cuối cấp lại đi chọn bộ sách giáo khoa khác hay sao? Về nguyên tắc, giáo viên vẫn chọn được nhưng chẳng giáo viên, nhà trường nào lại bỏ đi tất cả công sức, tiền bạc ở những năm trước để chọn lại bộ sách mới hoàn toàn?
Nhà trường phải đầu tư tiền bạc mua sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ để đưa vào thư viện. Nếu chọn một bộ sách khác cho năm học tiếp theo thì điều này đồng nghĩa phải bỏ đi hết hoặc có để lại cũng chẳng làm gì.
Mỗi bộ sách có tính kế thừa, triết lý và logic sắp xếp nội dung từ lớp dưới lên lớp trên. Chẳng hạn, năm nay nhà trường chọn bộ sách Cánh Diều, nhưng năm sau lại dùng bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là điều không thể vì sẽ phát sinh nhiều bất cập, khó khăn cho cả giáo viên lẫn học sinh.