Ông Khang đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp nghiên cứu đề xuất giảm giờ làm việc bình thường đối với NLĐ thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp. Hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời gian làm việc của NLĐ khu vực cơ quan hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để NLĐ nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Giảm giờ làm là cần thiết
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ giảm giờ làm việc trong doanh nghiệp xuống dưới 48 giờ/tuần. "Hoàn toàn ủng hộ đề xuất giảm giờ làm nhưng thu nhập thì giữ nguyên hoặc tăng thêm. Việc giảm giờ làm giúp NLĐ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn dành cho gia đình và bản thân, từ đó nâng cao sức khỏe, tinh thần. Khi được nghỉ ngơi đầy đủ, họ sẽ có tinh thần thoải mái, tập trung cao độ hơn vào công việc, từ đó nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Điều này hoàn toàn có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như NLĐ", BĐ Hùng Nguyễn phân tích.
Cùng quan điểm, BĐ Ha Minh viết: "Nhiều quốc gia đã áp dụng tuần làm việc 40 giờ hoặc ít hơn và ghi nhận được những lợi ích tích cực về sức khỏe, năng suất, cũng như môi trường làm việc của NLĐ. Việc VN tiến tới giảm giờ làm trong doanh nghiệp xuống dưới 48 giờ/tuần là xu thế tất yếu, qua đó sẽ giúp hội nhập tốt hơn với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Hy vọng việc giảm giờ làm nhưng không giảm thu nhập thì NLĐ sẽ rất hài lòng".
Còn BĐ Hiep Pham chia sẻ: "Hoan nghênh Tổng liên đoàn Lao động VN đã quan tâm đến đời sống công nhân lao động. Giảm giờ làm cũng là một hình thức "lên lương" đó chứ". "Chờ đến thời điểm thích hợp thì biết đến bao giờ, đến khi VN trở thành nước phát triển chăng? Vì lợi ích của NLĐ, của đất nước thì phải làm ngay để đáp ứng mong mỏi của người dân. Họ cần có nhiều thời gian chăm sóc con cái và gia đình, nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe... Rất mong ngay trong kỳ họp này của Quốc hội, Bộ LĐ-TB-XH đưa đề xuất nói trên ra nghị trường", BĐ Sinh Lê ý kiến.
Tăng năng suất lao động để giảm giờ làm
BĐ Hoàng Long cho rằng tăng năng suất lao động sẽ là "chìa khóa" để giảm giờ làm hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả NLĐ và doanh nghiệp. "Muốn được vậy thì doanh nghiệp phải tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa quy trình làm việc, cải thiện môi trường làm việc... NLĐ phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm để thích nghi với công nghệ mới và hoàn thành tốt công việc", BĐ này góp ý thêm.
Tương tự, BĐ Thiên Hương nhận định: "Việc tăng năng suất lao động để giảm giờ làm là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực chung của cả doanh nghiệp cũng như NLĐ. Tuy nhiên, với những giải pháp thiết thực và sự quyết tâm thực hiện, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế".
"Việc giảm giờ làm sẽ đặt ra nhiều thách thức cần được giải quyết như: Doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy trình làm việc, sắp xếp nhân sự...; NLĐ cần nâng cao kỹ năng và năng suất lao động để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn hơn; Sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, NLĐ và các cơ quan chức năng để đảm bảo việc giảm giờ làm được thực hiện hiệu quả... Nếu chúng ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và giải quyết những thách thức trên thì việc giảm giờ làm cho NLĐ hoàn toàn mang tính khả thi", BĐ Hoàng Việt nhận xét.
Giảm giờ làm cũng khuyến khích NLĐ đổi mới phương pháp làm việc, sử dụng công nghệ hiệu quả hơn để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn hơn.
Phan Quang
Giảm giờ làm giúp giảm bớt áp lực công việc cho NLĐ, tạo môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ và hiệu quả hơn. Điều này cũng góp phần thu hút và giữ chân người tài cho doanh nghiệp.
Trương Đức