Phần lớn hồ sơ trễ hạn liên quan đến lĩnh vực đất đai
Theo đó, Trung tâm phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh Bình Phước là đầu mối hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ cho 17 sở, ban, ngành cấp tỉnh. Cấp huyện và xã cũng có bộ phận một cửa điện tử hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ.
Theo kết luận thanh tra, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn cao hơn trên hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cụ thể, tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết trên địa bàn toàn tỉnh Bình Phước trong giai đoạn từ ngày 15.6.2021 đến 30.11.2023 gồm 1.454.854 hồ sơ, trong đó trễ hạn trên hệ thống 24.295 hồ sơ (chiếm khoảng 1,67%).
Kiểm tra 3.966 hồ sơ hoàn thành, thì có 359 hồ sơ giải quyết trễ hạn tại các đơn vị Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở LĐ-TB-XH, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT và 11 huyện, thị xã, thành phố (chiếm tỷ lệ 9,05%). Trong đó, 3 địa phương có tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều nhất gồm: TX.Chơn Thành có 75/283 hồ sơ (26,5%); H.Hớn Quản có 48/300 hồ sơ (16%); H.Lộc Ninh 46/305 hồ sơ (15%).
Phần lớn các hồ sơ bị trễ hạn đều liên quan đến lĩnh vực đất đai. Nguyên nhân được cho là do lượng hồ sơ tăng đột biến, tình trạng không đồng bộ giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất; vướng mắc do sai ranh giới, nguồn gốc chưa rõ ràng... Một số công chức, viên chức làm việc còn máy móc, cứng nhắc; cán bộ thẩm tra hồ sơ còn sai sót, lãnh đạo chậm ký dẫn đến tình trạng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính chưa cao; do công dân nộp trực tuyến chưa đúng thủ tục, thiếu hồ sơ hoặc tài khoản không chính chủ...
Kiểm điểm trách nhiệm công chức, viên chức, người đứng đầu
Cũng theo kết luận thanh tra, tình trạng trễ hạn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện và xã), có thủ tục người dân phải đi lại nhiều lần mới giải quyết xong.
Việc để xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hạn, bổ sung hồ sơ nhiều lần, trách nhiệm là do cán bộ, công chức tham mưu xử lý hồ sơ và người đứng đầu.
Việc xử lý hồ sơ trễ hạn không chỉ cho thấy việc cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết vai trò trách nhiệm của mình mà còn làm tăng phí vận hành và thời gian của người dân, doanh nghiệp khi phải đối mặt với các thủ tục phức tạp, kéo dài.
Kết luận thanh tra đề nghị Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cần thường xuyên kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, người đứng đầu, đơn vị để xảy ra tình trạng thiếu sót, giải quyết trễ hạn cho người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm công chức, viên chức đùn đẩy trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành công vụ.