Tham gia thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc ban hành một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên là cần thiết, nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho nhóm đối tượng này.
Ông Bình phân tích: Người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm đời sống và kiến thức pháp luật; khả năng kiểm soát hành vi kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí manh động. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hình sự hiện hành còn quá nặng nề với người dưới 18 tuổi phạm tội. Để thay đổi quan điểm xử lý, dự thảo luật đưa ra nhiều chính sách nhân văn, tiệm cận với thông lệ thế giới.
Có ý kiến lo ngại nếu quá nhân văn với người dưới 18 tuổi phạm tội "không khác gì thả tội phạm ra đường", Chánh án TAND tối cao dẫn nghiên cứu từ nhiều quốc gia cho thấy, nếu ưu tiên áp dụng các biện pháp chuyển hướng thay vì đưa trẻ vào trại giam, tỷ lệ tái phạm có thể giảm tới 85%.
Khẳng định "nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt", ông Bình cho rằng chỉ nên dùng đến hình phạt này khi không còn giải pháp nào khác, thay vào đó cần tập trung các biện pháp xử lý chuyển hướng như cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập…, hạn chế đến mức tối thiểu việc đưa trẻ vào trại giam.
"Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt phạm tội. Từ việc làm quen như vậy sẽ không sợ nữa. Đó là lý do tội phạm tăng", Chánh án TAND tối cao nêu quan điểm.