>> Ô tô tồn kho từ 2022 miệt mài xả hàng, vừa bán vừa cho
Suy giảm chưa từng có
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, thị trường ô tô Việt Nam năm 2023 giảm gần 30% so với năm 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm khoảng 30%, xe thương mại giảm khoảng 15% và xe chuyên dụng giảm hơn 50%. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm khoảng 25%, còn xe nhập khẩu giảm hơn 30% so với năm 2022.
Như vậy, sau khi đạt doanh số bán hơn 520.000 xe vào năm 2022, thì tăng trưởng ô tô lại thụt lùi. Ước tính doanh số bán cả năm 2023 chỉ đạt hơn 400.000 xe, giảm khoảng 70.000 xe so với năm 2022.
Theo dự báo ban đầu của các doanh nghiệp, thị trường ô tô năm 2023 dù khó khăn, vẫn có tăng trưởng từ 5% -7% so với năm 2022, tiến đến gần đến con số 600.000 xe/năm. Tuy nhiên, thực tế khác xa so với dự báo. Với tăng trưởng giảm gần 30%, là con số chưa từng có và phá hỏng hết các kế hoạch của doanh nghiệp. Đây cũng là mức sụt giảm kỷ lục tại khu vực Đông Nam Á.
Năm 2022, xe sản xuất lắp ráp trong nước, được Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ 5 tháng đầu năm; cùng hàng loạt mẫu xe mới ra mắt, tập trung ở phân khúc xe phổ thông giá rẻ; là những yếu tố giúp thị trường ô tô tăng trưởng mạnh tới 24% so với năm 2021.
Năm 2023, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cũng được Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ 6 tháng cuối năm; cũng có hàng chục mẫu xe mới ra mắt; nhiều mẫu xe giảm giá mạnh từ 10%- 30% nhưng tiêu thụ vẫn “lao dốc không phanh”. Nguyên nhân chỉ vì kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
“Cuộc đua phá đáy”
Tiêu thụ ô tô giảm sâu khiến hàng tồn kho tăng cao. Trước tình hình này, các doanh nghiệp đã lao vào “cuộc đua” giảm giá. Từ tháng 3/2023, nhiều mẫu xe bắt đầu giảm giá hàng chục triệu đồng. Ban đầu là dành cho những xe sản xuất năm 2022 chưa bán hết, sau đó thấy nhu cầu vẫn yếu, đến lượt xe sản xuất năm 2023 cũng giảm giá. Đến tháng 5/2023, Mazda CX5 là mẫu xe đầu tiên "tạo đáy" trên thị trường, với mức giảm mạnh từ 100 -137 triệu đồng cho cả 4 phiên bản. Các thương hiệu khác cũng bắt đầu nhập cuộc. Đỉnh điểm là tháng 10 và tháng 11/2023, nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước như Hyundai Stargazer, Hyundai SantaFe, giảm giá từ 130 - 188 triệu đồng, Honda CR-V 2023 giảm giá từ 145 -165 triệu đồng…
Với xe nhập khẩu, vào tháng 7/2023, Subaru “tạo đáy” thị trường khi giảm giá hàng loạt mẫu xe từ 300 - 400 triệu đồng, cho hàng tồn kho từ năm 2022 để lại. Các thương hiệu khác như Volkswagen, Volvo, Isuzu… cũng nối đuôi đại hạ giá nhiều mẫu xe hàng trăm triệu đồng. Đến tháng 9/2023 thương hiệu Jeep đã “phá đáy” thị trường, với chương trình hỗ trợ từ 50%- 100% lệ phí trước bạ cho một số mẫu xe, khiến giá xe giảm kỷ lục từ 188 - 972 triệu đồng. Sang tháng 10/2023 Volkswagen giảm giá cho mẫu xe Tiguan tới 500 triệu đồng.
Tới tháng 12/2023, là tháng cuối cùng ô tô trong nước được hưởng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ, nhu cầu có tăng nhưng không cao. Theo thống kê, trên thị trường có hơn 20 mẫu ô tô được doanh nghiệp và đại lý giảm giá, từ 100 triệu đồng trở lên. Trong khi nguồn cung ước tính vẫn cao hơn cầu trên 50.000 xe, tương đương với 2 tháng bán hàng.
Giai đoạn khó khăn
>> Thị trường ô tô chìm sâu trong suy thoái
Đây là hiện tượng bất thường trên thị trường ô tô, bởi mọi năm, gần Tết nhu cầu tăng cao, nguồn cung khan hiếm, các chương trình ưu đãi bị cắt giảm, thậm chí những mẫu xe khan hiếm còn bị các đại lý bán “bia kèm lạc”. Nay ngược lại, giá giảm “sốc” mà khách hàng vẫn thờ ơ.
Với “cuộc đua” giảm giá sâu và kéo dài, diễn ra rầm rộ ở mọi phân khúc, có thể nói, năm 2023 là thời điểm giá ô tô xuống thấp nhất, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.
Còn VAMA thì cho biết, đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành ô tô kể từ năm 2008 đến nay. Nhiều thương hiệu ô tô sụt giảm doanh số bán rất sâu từ 20% đến hơn 70%, so với năm 2022. Chẳng hạn như: Peugeot giảm hơn 70%, Toyota giảm khoảng 40%, Kia giảm gần 40%, Honda giảm gần 30%, Iuzu giảm 25%, Hyundai giảm gần 25%...
Giới kinh doanh ô tô nhận định, khó khăn sẽ tiếp tục khó khăn kéo dài sang cả năm 2024. Nhiều doanh nghiệp và đại lý ô tô còn phải đối mặt với ế ẩm, tồn kho cao, giảm hoạt động và thua lỗ.