>> Khó khăn của ngành ô tô sẽ kéo dài sang năm 2024

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Từ ngày 1/1/2024, lệ phí trước bạ trở về mức cũ theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP và các Nghị quyết hiện hành của HÐND hoặc quyết định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện tại, hầu hết các địa phương áp dụng mức lệ phí trước bạ 10% đối với ô tô dưới 10 chỗ mới đăng ký lần đầu. Tuy nhiên, có một số địa phương lại áp dụng mức 12%, gồm: Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng và Cần Thơ. Riêng Hà Tĩnh có mức thu lệ phí trước bạ 11%. Với xe bán tải và xe van, lệ phí trước bạ được tính bằng 60% mức áp dụng cho các loại ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi. Ô tô thuần điện đang được miễn lệ phí trước bạ.

Doanh nghiệp ô tô lại mong muốn được hỗ trợ

Đứng trước khó khăn, các doanh nghiệp ô tô lại mong muốn được Chính phủ tiếp tục hỗ trợ. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ lệ phí trước bạ, không làm giảm giá bán xe nhưng giảm chi phí lăn bánh. Vì vậy, giúp kích cầu tiêu dùng. Với mức thu từ 10-12% giá trị xe, lệ phí trước bạ chiếm một phần không nhỏ trong chi phí lăn bánh của ô tô mới. Từ đầu năm 2024, khi hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chấm dứt thì chi phí sẽ tăng lên.

Với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, khách hàng sẽ phải chi thêm từ 30-80, triệu đồng lệ phí trước bạ nếu mua xe bình dân và hàng trăm triệu đồng nếu mua xe sang.

Cùng với đó, một số mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đã tăng giá. Chẳng hạn Mazda Việt Nam đã điều chỉnh tăng giá bán với một số mẫu xe từ 5- 33 triệu đồng. Hyundai Thành Công tăng giá bán các mẫu xe Tucson và Santa Fe từ 30-90 triệu đồng, so với cuối năm 2023.

Trong khi hỗ trợ không còn, giá bán lại tăng và nhu cầu yếu, báo hiệu doanh số sẽ ảnh hưởng. Các doanh nghiệp dự báo, nhu cầu về ô tô vẫn duy trì ở mức thấp tới giữa năm 2024. Sức mua yếu, hàng tồn kho nhiều, sẽ làm tăng gánh nặng chi phí, gây áp lực lên hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cho biết, tồn kho ô tô từ 2023 chuyển sang còn rất lớn với khoảng 50.000 chiếc.

Doanh nghiệp ô tô lại mong muốn được hỗ trợ

Sức mua yếu, doanh số bán ô tô giảm mạnh. (Ảnh minh họa)

Đứng trước khó khăn, các doanh nghiệp ô tô lại mong muốn được Chính phủ tiếp tục hỗ trợ. Công ty ô tô Trường Hải (THACO) vừa có đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, xem xét, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ có tính đột phá trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (như đã thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2023) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong nước. Đề nghị tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024. Một số doanh nghiệp ô tô khác cũng có chung mong muốn tiếp tục được hỗ trợ từ Chính phủ. Các chính sách cần sớm được ban hành áp dụng từ quý I/2024.

Đây là lần thứ 4 doanh nghiệp ô tô xin hỗ trợ. Ô tô dưới 10 chỗ ngồi là sản phẩm chịu nhiều thuế phí nhất, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, phí cấp biển…Thuế, phí cao đẩy giá xe lên cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, nên quy mô thị trường ô tô nhỏ bé, ngành ô tô thường xuyên gặp khó khăn.  

Với ngành công nghiệp ô tô chỉ có duy trì công suất ổn định và tăng trưởng đều đặn mới tạo ra động lực cho sự phát triển. Từ lâu các doanh nghiệp đã mong muốn có một chính sách thuế, phí hợp lý ổn định, lâu dài, để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô vươn lên mà vẫn mòn mỏi đợi chờ.