Trở lại thị trường ô tô Việt Nam từ giữa năm 2020, MG được kỳ vọng sẽ "làm nên chuyện" nhờ những mẫu xe thế hệ mới thiết kế bắt mắt, trang bị nhiều công nghệ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 năm phân phối, có thể nói thương hiệu xe Anh quốc, hiện đang thuộc sở hữu của Tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC Motor) lại đang gây thất vọng, khi vẫn chưa thể thuyết phục được khách Việt.
Chật vật tìm đất sống, xe Trung Quốc vẫn quyết tâm thâm nhập thị trường Việt Nam
Các mẫu xe được MG "chọn mặt gửi vàng" như HS, ZS, MG5 hay mới đây nhất là RX-5 đều lần lượt tỏ ra thất thế so với các đối thủ cạnh tranh. Bộ đôi HS và ZS sau thời gian đầu tương đối khởi sắc nhờ giá bán khá rẻ so với mặt bằng phân khúc, năm 2023 đã gần như "mất tích" trên thị trường.
Trong khi đó, mẫu sedan hạng C từng rất được kỳ vọng - MG5 cũng không khá khẩm hơn. Dù được niêm yết giá bán chỉ ngang phân khúc B, tuy nhiên nhưng các phiên bản MG5 thế hệ mới vẫn không thể tìm được chỗ đứng. Cuối năm 2023, để tiếp sức cho mẫu xe trụ cột này, SAIC đưa về Việt Nam thêm phiên bản số sàn với giá chỉ 399 triệu đồng, ngang với xe hạng A. Mặc dù vậy, kết quả vẫn không thay đổi. Thậm chí, việc khách hàng không "mặn mà" đã buộc nhiều đại lý MG thời gian qua phải liên tục "đại hạ giá" cho phiên bản này để thanh lý hàng tồn, đưa giá thực tế của MG5 số sàn nhiều thời điểm chỉ còn 350 triệu đồng. Mức giá kỷ lục với một mẫu xe cấu hình cỡ C.
Ngay cả tân binh MG RX5 đưa về Việt Nam cách đây không lâu, hiện cũng đang rất chật vật trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường. Cuối năm 2023, các đại lý MG liên tục áp dụng hàng loạt chương trình khuyến mãi, từ ưu đãi lệ phí trước bạ đến giảm tiền mặt, đưa giá bán RX5 nhiều thời điểm xuống mức hơn 600 triệu đồng. Đây có thể xem là mức giá kỷ lục với một mẫu xe định vị ở phân khúc crossover cỡ trung (hạng C). Thế nhưng, kể cả khi giá chỉ ngang những mẫu SUV đô thị (B-SUV), RX5 vẫn chưa thể tạo nên khác biệt.
Thực tế này cho thấy, những mẫu xe MG nói chung vẫn đang gặp khó trong việc thuyết phục khách Việt dù có lợi thế về giá bán. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, yếu tố cốt lõi dẫn đến đến kết quả không mấy khả quan của MG chính là sự cạnh tranh. Ở mảng xe phổ thông, thị trường Việt Nam hiện đang có rất nhiều hãng xe lớn đã xây dựng được vị thế và được khách hàng tin tưởng (chủ yếu là nhóm xe Nhật Bản - Hàn Quốc). Đặc biệt là những phân khúc xe tầm giá dưới 1 tỉ đồng, nơi các mẫu xe MG hiện diện. Chính vì vậy, sự so kè về mẫu mã cực kỳ khốc liệt khi cùng một số tiền, người mua có đến cả chục lựa chọn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh người Việt khá "nhạy cảm" với sản phẩm có "dính dáng" đến Trung Quốc, việc MG đang thuộc sở hữu và phân phối bởi SAIC Motor cũng được xem là "điểm trừ"; phần nào đó khiến các mẫu xe như HS, ZS, MG5 hay RX5 gặp khó. Bởi khách hàng khi đặt lên bàn cân so sánh với các đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, chắc chắn phải "lăn tăn" ít nhiều.
Chưa kể, thời gian gần đây, những "lùm xùm" liên quan đến kết quả thử nghiệm an toàn của mẫu MG5 tại thị trường Úc và New Zealand (ANCAP) cũng khiến nhiều người dùng dòng xe này và các dòng xe khác của MG ở Việt Nam phải lo lắng. Bởi bên cạnh kiểu dáng, trang bị công nghệ và giá bán; khả năng bảo vệ người dùng cũng là yếu tố được nhiều khách hàng xét đến khi mua xe.