>> "Làn sóng" ô tô Trung Quốc tiếp tục tràn sang Việt Nam
Hãng xe điện BYD của Trung Quốc đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để ra mắt khách hàng Việt vào tháng 6 tới, với hệ thống showroom ở 20 tỉnh, thành trên cả nước.
BYD bắt đầu sản xuất ô tô từ năm 2003 với xe xăng, đến năm 2022 bỏ xe xăng, chỉ còn xe điện và hybrid. Năm 2023, BYD là hãng xe điện hóa bán chạy nhất thế giới, với doanh số hơn 3 triệu xe toàn cầu, trong đó gần 2,6 triệu tại Trung Quốc và xuất khẩu 400.000 xe.
Theo BYD, ban đầu hãng sẽ giới thiệu 3 mẫu xe là chiếc hatchback cỡ nhỏ Dolphin, crossover cỡ nhỏ Atto 3 và sedan cỡ vừa Seal tại Việt Nam. Đến cuối năm, có thể thêm 3 mẫu xe khác sedan cỡ D Han, crossover hybrid Song và crossover cỡ trung Tang. Hiện mẫu xe điện Atto 3 là sản phẩm bán chạy nhất của BYD. Vào Việt Nam, BYD sẽ là hãng xe điện phổ thông thứ hai, có dải sản phẩm đa dạng, bên cạnh VinFast.
Một số nhận định cho rằng, tuy thành công ở quê nhà, song BYD đang gặp thách thức khi mở rộng ra nước ngoài. Hiện tại xe điện của BYD đang chất đống tại các cảng ở châu Âu, bán rất chậm, do chất lượng có vấn đề.
Theo Wall Street Journal, ô tô điện BYD tại châu Âu bị nấm mốc nội thất. Vấn đề không phải là sự tồn tại của nấm mốc, loại nấm thường phát triển trong ô tô được vận chuyển trên quãng đường dài, mà là lo ngại các phương tiện này đã không được xử lý chuyên nghiệp bằng quy trình ion hóa để loại bỏ hoàn toàn bào tử.
BYD hiện cũng đang phải đối mặt với các sự cố ảnh hưởng đến cả xe chở khách và xe thương mại. Vào tháng 1/2024, một chiếc xe buýt BYD ở London bốc cháy, chính quyền Vương quốc Anh đã phải thu hồi gần 2.000 xe buýt. Các nhà chức trách cho rằng hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí của xe có vấn đề, có thể dẫn đến hỏa hoạn.
Tại Nhật Bản các mẫu xe của BYD bị móp méo, trầy xước, nhiều bộ phận phải thay thế mới đáp ứng được tiêu chuẩn địa phương. Tại Thái Lan, chất lượng xe điện BYD cũng đối mặt với nhiều khiếu nại, do bong tróc sơn và nhựa. Trong khi tại Israel, nơi doanh số bán xe điện rất cao, xe BYD bị tố cong vênh do sức nặng của giá nóc.
Chính một giám đốc điều hành của BYD đã mô tả việc khách hàng nước ngoài đón nhận xe BYD, giống như "đến một nhà hàng đẳng cấp nhưng phát hiện đĩa thức ăn bị sứt mẻ".
Hiện BYD có hàng chục nghìn ô tô tồn kho tại châu Âu, trong khi đó, giấy chứng nhận cho phép bán ở Liên minh châu Âu đều có thời hạn. Hết hạn, có nghĩa là những xe tồn kho không còn được phép bán ra nữa. Một số ý kiến cho rằng, rất có thể những xe này sẽ được chuyển khỏi châu Âu, đến các thị trường khác như Đông Nam Á chẳng hạn.
Ngoài ra, xe điện BYD ở nước ngoài có giá cao hơn rất nhiều so với ở Trung Quốc, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty. Lấy ví dụ mẫu xe xuất khẩu hàng đầu của BYD là Atto 3 có giá hơn 41.000 USD tại Đức, thị trường lớn nhất châu Âu. Nhưng chiếc xe BYD tương tự được bán với giá chưa đến 20.000 USD ở Trung Quốc. Tại Trung Quốc, xe điện được hỗ trợ nhiều nên có giá bán thấp.
Khi vào Việt Nam, BYD đặt mục tiêu cạnh tranh với xe chạy bằng xăng, dầu. Tại Việt Nam ô tô chạy bằng xăng dầu có giá bán cao, do thuế phí cao. Nếu BYD ấn định giá bán tương đương, thì rất khó chinh phục được khách hàng. Còn bán rẻ quá thì người tiêu dùng cũng e ngại về chất lượng.
Theo các chuyên gia, thành công hay thất bại cuối cùng của BYD ở thị trường nước ngoài phụ thuộc vào hai câu hỏi. Thứ nhất, hãng có thể thuyết phục khách hàng vượt qua sự dè dặt, khi mua sản phẩm của một thương hiệu ô tô Trung Quốc không? Và BYD có thể mang lại giá trị vượt trội cho người tiêu dùng so với các đối thủ cạnh tranh không?