Tiếp bước những Beijing, Wuling, Haima hay Haval, BYD - hãng xe Trung Quốc cũng sẽ mở bán tại thị trường Việt Nam thời gian tới. Hiện tại, đại lý đầu tiên của hãng này đặt tại Hà Nội đã hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 5.2024.
Đáng chú ý, khác với các hãng xe "đồng hương", BYD trong lần thứ hai trở lại thị trường Việt Nam khả năng cao sẽ chọn cho mình lối đi khác, với dải sản phẩm "năng lượng mới". Trong đó, xe thuần điện đóng vai trò chủ lực.
Thực tế, đây không phải điều bất ngờ, bởi thế mạnh của hãng xe Trung Quốc này nằm ở công nghệ pin, và chính xe điện mới là "bệ phóng" đưa BYD trở thành tên tuổi lớn trong ngành ô tô. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, ô tô điện tại Việt Nam hiện chỉ mới ở giai đoạn "hồng hoang" và mọi thứ vẫn còn quá mới mẻ. Chính vì vậy, việc BYD quyết định trở lại thị trường Việt Nam vào thời điểm này, đồng thời lựa chọn dải sản phẩm chủ lực là xe điện để cạnh tranh đang khiến nhiều chuyên gia không khỏi hoài nghi. Bởi, đối mặt với hãng xe Trung Quốc sẽ có rất nhiều rào cản.
Hạ tầng, chính sách hỗ trợ cho xe điện
Việc BYD vượt mặt cả "ông trùm" Tesla để chiếm lĩnh vị trí thương hiệu số một thế giới ở mảng xe điện trong hai năm gần đây có thể xem là bất ngờ lớn của ngành ô tô. Thế nhưng, có một điều ít người để ý, phần lớn doanh số xe BYD đến từ thị trường quê nhà. Số liệu trích dẫn từ tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho thấy, năm 2023 vừa qua, hãng xe này đạt doanh số tổng cộng khoảng 3,02 triệu xe. Tuy nhiên, có đến gần 3 triệu xe tiêu thụ tại Trung Quốc và chỉ khoảng 243.000 xe bán ra tại các thị trường nước ngoài.
Điều này cho thấy một thực tế rằng, xe điện BYD vẫn đang phụ thuộc nhiều vào thị trường trong nước. Nơi có dân số lên đến trên 1 tỉ người, cùng các chính sách hỗ trợ "tận răng" của Chính phủ Trung Quốc dành cho xe điện (từ chính sách hỗ trợ, miễn thuế và giảm giá, đến hỗ trợ xây dựng hạ tầng trạm sạc…).
Đây cũng là lý do, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của BYD khi hãng xe này quyết định đưa dải sản phẩm xe điện tới thị trường Việt Nam. Bởi, khác với Trung Quốc hay một số thị trường ô tô lớn đã bắt đầu xu hướng chuyển đổi qua xe điện từ khá lâu, Việt Nam hiện nay mới ở giai đoạn khởi đầu. Chưa có hoặc rất ít chính sách hỗ trợ về giá.
Các chính sách hỗ trợ về hạ tầng trạm sạc cũng chưa. Thực tế, số lượng trạm sạc tại Việt Nam vài năm gần đây đang tăng khá nhanh. Tuy nhiên, thực tế phần lớn trạm sạc này đều thuộc sở hữu của VinFast và đến thời điểm hiện tại chỉ phục vụ riêng cho người dùng xe VinFast. Trong khi đó, những mô hình trạm sạc công cộng do tư nhân đứng ra xây dựng và vận hành kiểu như Trung Quốc hiện vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Ngoài EV One đang cố thăm dò thị trường với số lượng ít ỏi, vẫn chưa có thêm đơn vị nào khác "bắt tay" vào mảng này. Đây rõ ràng sẽ là một trong những thách thức lớn nhất với BYD.
Tâm lý khách "dè chừng" xe Trung Quốc
Không ít người Việt mua và sử dụng ô tô Trung Quốc giai đoạn 2005 – 2015 hiện nay vẫn còn cảm giác "ám ảnh" bởi chất lượng xe, cũng như dịch vụ hậu mãi quá kém của những thương hiệu xe từ thị trường này. Và có một thực tế là tâm lý "e dè" từ những "vết nhơ" cũ trong quá khứ cũng đang là một trong những rào cản lớn, gây khó cho các hãng xe Trung Quốc trong tham vọng chinh phục thị trường ô tô Việt.
Thương hiệu MG (Morris Garages) có thể xem là một ví dụ. Mở bán tại thị trường Việt Nam từ năm 2020 với dải sản phẩm bắt mắt và vượt trội về công nghệ so với nhiều mẫu xe định vị cùng phân khúc, tuy nhiên đến nay sau gần 4 năm, doanh số MG vẫn "lẹt đẹt". Để có thể cạnh tranh, hãng nhiều lần phải áp dụng các chương trình giảm giá mạnh tay; thậm chí một số mẫu mã không thể tìm được chỗ đứng đã phải ngưng phân phối.
Bên cạnh sức hút kém, không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân khác khiến xe MG phải "chật vật" tại Việt Nam xuất phát từ tâm lý của khách Việt, vốn "dè chừng" với ô tô Trung Quốc. Bởi, dù là hãng xe tên tuổi thế giới và có nguồn gốc từ Anh quốc, tuy nhiên MG hiện đã thuộc sở hữu của tập đoàn SAIC Motor (Trung Quốc) từ năm 2007. Điều này khiến người Việt không còn nhiều "thiện cảm" với xe mang thương hiệu MG.
Chưa kể, với riêng BYD, "bài toán" thậm chí có thể còn khó hơn khi hãng xe Trung Quốc chọn dải sản phẩm chủ lực là xe điện. Loại xe này hiện vẫn còn khá mới mẻ và người dùng vẫn có những hoài nghi và chưa thực sự sẵn sàng.
"Lùm xùm" về chất lượng xe
Một vấn đề nữa có thể cản bước BYD trong việc tìm chỗ đứng tại thị trường Việt Nam là vấn đề chất lượng xe.
Đến thời điểm hiện tại, hãng xe Trung Quốc hiện vẫn chưa "chốt" danh sách xe sẽ bán chính thức, cũng chưa tổ chức các hoạt động trưng bày, lái thử nên chưa thể khẳng định chất lượng xe BYD sắp mang đến Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, BYD liên tục vướng vào nhiều "lùm xùm" về chất lượng xe tại các thị trường ngoài Trung Quốc.
Điển hình như tại Thái Lan, nhiều người dùng thời gian qua liên tục khiếu nại về hiện tượng bong tróc sơn và nhựa, thậm chí không ít vụ việc xe BYD bốc khói khi đang sạc. Ở Israel, các dòng xe thương hiệu Trung Quốc này cũng liên tục mắc các lỗi cong vênh giá nóc khi chất đồ. Hay mới đây nhất, vào cuối năm 2023, hàng loạt xe BYD bị phản ánh xuất hiện nấm mốc bên trong khoang nội thất.
Rõ ràng, những sự cố liên tục về chất lượng xe ít nhiều sẽ khiến người Việt (vốn đã "ngán" xe Trung Quốc) càng tỏ ra thận trọng với xe BYD. Và nếu không giải được "bài toán" này, hãng xe Trung Quốc sẽ rất khó thành công tại thị trường Việt Nam.