Khi dịch tả đang hoành hành tại Trung Quốc và Bắc kỳ, bác sĩ Yersin đề xuất Toàn quyền Đông Dương mở thêm một viện Pasteur tại Đà Lạt, tận dụng khí hậu mát lạnh làm nơi sản xuất vắc xin công nghiệp. Thành lập năm 1936, Viện Pasteur Đà Lạt (*) chuyên điều tra dịch tễ học, nghiên cứu vệ sinh và sức khỏe cộng đồng vùng cao nguyên, xét nghiệm y tế, sản xuất vắc xin… Đây là nơi cung cấp thuốc ký ninh trị sốt rét và vắc xin (dại, đậu mùa, tả…) lớn nhất Đông Dương. Năm 1937, Viện đã sản xuất được 3 triệu liều vắc xin các loại, lập kho dự trữ 1 triệu liều vắc xin chống dịch tả khi khẩn cấp.
Công trình gồm 2 tầng, có mặt bằng hình chữ nhật, mặt đứng đối xứng. Đồng quan điểm với học phái Bauhaus (đề cao quan điểm cái đẹp phải gắn liền với giá trị sử dụng), mặt đứng chính không trang trí rườm rà, phản ánh trung thực cấu trúc mặt bằng. Hệ mái có phần tường xây cao xung quanh, ngoài tạo tỷ lệ đẹp cho mặt đứng còn có tác dụng che bớt phần mái, an toàn cho người sử dụng khi lên mái.
Cạnh đó, phong cách kiến trúc Art Deco (nhấn mạnh đường nét hình học mạnh mẽ, trang trí bằng hình đắp nổi…) cũng ảnh hưởng đến thiết kế công trình. Điều này thể hiện qua tổ hợp mảng khối đơn giản, hệ thống cửa vuông vắn cùng dàn lam mảnh băng ngang mặt đứng chính, chân dung Louis Pasteur đắp nổi và hàng chữ "Viện Pasteur Việt Nam - Chi nhánh Đà Lạt"…
Qua nhiều lần đổi tên và mô hình hoạt động, hiện Viện là Công ty vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC).
(*): Lấy theo tên của nhà vi trùng học nổi tiếng thế giới Louis Pasteur (1822 - 1895) - người phát minh ra vắc xin chống bệnh dại. Đây là Viện Pasteur cuối cùng ở VN (sau Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang).