Những ngọn núi thiêng: Núi Bân, nơi Quang Trung lên ngôi hoàng đế

14:11 - 17/09/2024

Sau hàng chục năm nghiên cứu, tìm kiếm di tích Tây Sơn ở cố đô Huế, trong khi nhiều công trình và nhất là lăng mộ vua Quang Trung ở đâu vẫn còn là vấn đề đang tranh cãi thì giới chuyên gia khoa học lịch sử đã xác định được núi Bân chính là đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Núi Bân là ngọn núi nhỏ ở thôn Tứ Tây, xưa thuộc xã Thủy An (nay thuộc P.An Tây, TP.Huế). Núi cao 43,75 m, cách Kinh thành Huế 3 km; phía đông giáp núi Ngự Bình, phía tây và phía bắc giáp thôn Trường Cỡi, xã Thủy Bằng (nay thuộc P.Trường An), phía nam là nơi cư trú của dân làng Tứ Tây (P.An Tây).

Theo sử sách, núi Bân (Bân Sơn) là nơi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho lập đàn để làm lễ tế cáo trời, lên ngôi hoàng đế và xuất quân thần tốc ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược vào ngày 25.11 năm Mậu Thân (22.12.1788).

Những ngọn núi thiêng: Núi Bân, nơi Quang Trung lên ngôi hoàng đế

Lễ hội Quang Trung tổ chức hằng năm đúng dịp kỷ niệm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở tượng đài Quang Trung dưới chân núi Bân

ẢNH: THANH MÃI

Thế nhưng, từ trước năm 1977, di tích núi Bân hầu như chưa ai biết tới. Cuối năm 1977, PGS-TS Đỗ Bang (hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế) là người đầu tiên nghiên cứu và xác minh được di tích núi Bân thuộc xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An - nay là P.An Tây, TP.Huế.

Theo PGS-TS Đỗ Bang, khi xưa không rõ núi tên gì, nhưng từ khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho xẻ núi Bân thành ba tầng để lập đàn tế cáo trời thì người dân địa phương gọi ngọn núi này với các tên như: Động Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng, Ba Vành, Hòn Thiên. Rất có thể Nguyễn Huệ chính là người đã đặt tên Bân cho núi (nơi ông chọn để đắp đàn), với nghĩa "trong và ngoài đều hoàn mỹ".

Thời điểm phát hiện di tích, ngọn núi Bân là vùng phế tích cây cối mọc um tùm. Trải qua chiến tranh và sau ngày hòa bình, người dân đã lấn chiếm để xây mồ mả. Nơi đây trở thành nghĩa địa hoang vắng, u uất. Sau khi xác định được di tích, ngày 18.11.1988, núi Bân được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Những ngọn núi thiêng: Núi Bân, nơi Quang Trung lên ngôi hoàng đế

Toàn cảnh núi Bân nhìn từ núi Ngự Bình

ẢNH: VĂN THỂ HUẾ

Những ngọn núi thiêng: Núi Bân, nơi Quang Trung lên ngôi hoàng đế

Dấu tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn trên núi Bân

ẢNH: VĂN THỂ HUẾ

ĐỀ XUẤT CÔNG NHẬN DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

Năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt dự án đầu tư Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân, và ngày 28.1.2008, công trình được khởi công. Sau 2 năm xây dựng, ngày 9.1.2010, tượng đài Quang Trung ở núi Bân được khánh thành, trở thành công trình quan trọng của di tích Tây Sơn tại cố đô Huế.

Năm 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến hành khai quật di tích núi Bân. Kết quả, sau khi mở 9 hố đào ở 4 hướng đông, tây, nam, bắc của đàn tế đã xuất hiện một số vết tích nguyên gốc như mặt kè, bờ sườn, mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Ở khu vực phía nam với một hố chạy dài theo hướng bắc - nam cho thấy vết tích đàn tế nguyên gốc chỉ còn lại một khoảng mặt nền tầng 1 khá bằng phẳng, rộng 2 m xuất lộ ở độ sâu 0,5 m. Mặt sườn tầng 1 và tầng 2 đàn tế khu vực này bị biến dạng.

Quá trình khai quật, nhóm chuyên gia phát hiện các mảnh gạch vỡ và đá lẫn trong đất. Riêng khu vực phía tây phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch ở chân tầng 1 đàn tế. Đá được xác định là đá sa phiến dạng hòn, cục, có màu vàng nhạt, tím nhạt, xám xanh, xám trắng. Gạch được phát hiện là dạng gạch bìa hình chữ nhật màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao với chiều rộng 13 - 14 cm, dày 2,5 - 4 cm, dài 14 - 16 cm, niên đại tập trung thế kỷ 18. Điều này phản ánh rõ tính chất xây dựng gấp gáp của đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), người chủ trì cuộc khai quật, kết quả khai quật bước đầu đã đem đến những nhận thức mới, có giá trị trong việc xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn. Kết quả đó góp phần khẳng định núi Bân chính là nơi được sử sách ghi chép cũng như các nhà nghiên cứu trước đây ở Huế xác nhận là nơi lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ.

"Từ những kết quả thu được, có thể nhận thấy đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng có quy mô, kích thước chu vi các tầng 1, 2 rộng lớn hơn khá nhiều so với đàn tế hiện nay. Bố cục đàn này có nét tương đồng với đàn Viên Khâu (xây năm 1540 thuộc khu di tích Thiên Đàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc) với đế hình vuông, 3 tầng, ở giữa hình tròn", ông Chất đánh giá.

PGS-TS Đỗ Bang cho rằng với giá trị lịch sử đặc biệt về vương triều Tây Sơn, về người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ và những chứng cứ từ công tác khai quật khảo cổ học gần đây, di tích núi Bân xứng đáng được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. (còn tiếp)

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Ông chủ trường đua - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

 

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...