Sáng 14.9, sân khấu lớn Xóm Kịch và sân khấu nhỏ Bồ Công Anh của vợ chồng NSƯT Vũ Xuân Trang - Hoàng Thy cúng giỗ Tổ, có nhiều bạn bè, khán giả đến tham dự. Địa điểm cúng giỗ diễn ra tại sân khấu Bồ Công Anh. Sân khấu nhỏ này mới ra mắt đầu tháng 9, theo chia sẻ của nghệ sĩ Hoàng Thy, đây là nơi các học trò - nghệ sĩ do đích thân anh chị đào tạo sẽ nuôi lửa nghề thời gian tới trong lúc chờ sân khấu lớn sáng đèn.
Một năm nhìn lại, lần cúng giỗ Tổ này của vợ chồng NSƯT Vũ Xuân Trang - Hoàng Thy có nhiều cột mốc đáng nhớ trong nghề: dời sân khấu Xóm Kịch sang địa điểm mới, sáng đèn hàng loạt vở mới (ví dụ như Phong Sương Nguyệt, Khúc dạ tâm, Khế ước tử thần...), và đến gần đây là cho ra mắt thêm sân khấu nhỏ Bồ Công Anh.
Cũng trong sáng 14.9, sân khấu kịch Hồng Vân cúng giỗ Tổ đánh dấu tròn 1 năm sân khấu này chuyển sang địa chỉ mới. Song lễ cúng giỗ Tổ năm nay của sân khấu này nằm trong chuỗi 3 ngày liền mà mở đầu là diễn vở nhạc truyện Bông cánh cò phiên bản kỷ niệm (diễn ngày 13.9), sau đó đến lễ cúng giỗ Tổ ngày 14.9 và tối nay 15.9 diễn vở kịch gia đình Mẹ và người tình.
Chiều 14.9, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B tổ chức cúng giỗ Tổ với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ như NSƯT Tuyết Thu, nghệ sĩ Cát Tường, ê kíp Sân khấu nhỏ 5B cùng đông đảo khán giả. Năm qua, Sân khấu nhỏ 5B vẫn tiếp tục chiếm cảm tình khán giả không chỉ với việc cố gắng đa dạng hóa kịch mục - nhất là kịch thiếu nhi (gần đây nhất có Trạm cứu hộ động vật) vốn là "đặc sản" của sân khấu này.
Giám đốc nhà hát, NSND Mỹ Uyên tâm sự, năm qua, tình hình xã hội, nhất là kinh tế, ảnh hưởng nhiều đến việc các ông bà "bầu" mạnh dạn đầu tư kịch cũng như lèo lái sân khấu, nhân lực. Chị nói: "Kinh tế năm qua khó khăn, đi đôi với việc thời tiết không ôn hòa nên gây ra nhiều trở ngại cho việc mạnh dạn đầu tư vào nhiều tác phẩm. Nhưng tôi cũng cố gắng duy trì, tìm tòi kịch bản để anh chị em nghệ sĩ có vở tham gia thường xuyên".
Chia sẻ về hướng đi sắp tới, chị nói thêm: "Sắp tới đây, vào là dịp lễ như Noel, tết Tây và tết Nguyên đán, tôi cũng chuẩn bị những kịch bản hay, hấp dẫn và lôi cuốn để duy trì, giữ chân khán giả".
Trước đó, trong sáng 13.9, nhiều sân khấu cũng đã tổ chức cúng Tổ nghề. Sân khấu Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc cúng giỗ Tổ cũng với nhiều kỷ niệm. Năm qua, nghệ sĩ Thành Lộc rời sân khấu Idecaf để thành lập Thiên Đăng. Nhân kỷ niệm sân khấu tròn 1 tuổi, Thiên Đăng công diễn vở Chuyến đò định mệnh (từ kịch bản Đến bờ bên kia của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp), sau 1 năm thành công với những tác phẩm như Giáng Hương, Lộ hàng, Nội tình của ngoại tình...
Còn sân khấu Hoàng Thái Thanh của ông bà "bầu" Thành Hội - Ái Như cúng giỗ Tổ với nhiều quả ngọt: sân khấu này đã có mùa diễn giữa năm là Mùa kỷ niệm rất thành công. Nửa đời hương phấn - vở đầu tiên của mùa diễn mới này, liên tục "cháy" vé, và sân khấu vừa phúc khảo vở tái dựng Cơn mê cuối cùng cũng đong đầy cảm xúc.
Trong ngày cúng giỗ Tổ 14.9, sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn sáng đèn vở Cơn mê cuối cùng. Mùa diễn mới, nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội gửi gắm nhiều tâm tư vào vở diễn, hy vọng tiếp tục được khán giả yêu thương, đồng hành.
Hướng về đồng bào vùng bão lũ
Do mùa giỗ Tổ năm nay diễn ra vào lúc đồng bào miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi nên nhiều đơn vị đã có những cách thức cúng giỗ vừa dung hòa được tinh thần hướng về Tổ nghiệp, vừa hướng về đồng bào đang gặp khó khăn.
Tối 13.9, Sở VH-TT TP.HCM phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức lễ cúng giỗ Tổ với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ lão thành tại tại Nhà hát TP.HCM (Q.1). Nhân dịp này, các nghệ sĩ đã quyên góp hơn 2 tỉ đồng để ủng hộ đồng bào bị thiên tai.
"Bà bầu" Mỹ Uyên năm nay chủ trương mỗi khán giả đến cúng giỗ thay vì chuẩn bị quà cáp, sửa soạn mâm lễ thì hãy dành kinh phí đó để quyên góp cho bà con vùng bão lũ. Do đó, tại buổi cúng giỗ Tổ, Sân khấu nhỏ 5B có chuẩn bị 1 thùng quyên góp để khán giả đến cúng có thể tùy tâm ủng hộ.
Còn sân khấu kịch Hồng Vân thì dùng toàn bộ tiền vé biểu diễn 2 vở Bông cánh cò và Mẹ và người tình vào tối 13.9 và 15.9 để ủng hộ người dân miền Bắc khắc phục hậu quả của cơn bão vừa qua.