Ngay phía bên phải kinh thành Huế, tuyến đường Kim Long chạy dọc bờ sông Hương xuyên qua P.Kim Long dẫn tới chùa Linh Mụ có cây cầu bắc qua sông Kẻ Vạn, tên nguyên thủy là cầu Bạch Hổ.
Mới đây, khi thực hiện dự án Đô thị xanh Huế có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng với nhiều hạng mục xây dựng về giao thông, đô thị, cầu đường, công viên, chỉnh trang đô thị, thoát nước, môi trường…, cầu Bạch Hổ cũng được nâng cấp mở rộng nhưng lại gắn bảng tên: cầu Kim Long.
Theo tư liệu lịch sử, cầu vốn được dựng khoảng năm Mậu Thìn 1808, đời vua Gia Long, bằng gỗ. Ban đầu, công trình này mang tên cầu Bạch Hổ. Tới đời vua Minh Mạng, cầu đổi tên thành cầu Lợi Tế. Sách Đại Nam nhất thống chí, bản đời Tự Đức (NXB Thuận Hóa, Huế 1992) cũng có ghi chép: "Cầu Lợi Tế trước gọi là cầu Bạch Hổ, năm Minh Mệnh thứ 20 đổi tên hiện nay".
Hiện tại, ngay chân cầu còn tấm bia "Lợi Tế kiều" (cầu Lợi Tế) bằng đá thanh, cao 98 cm kể cả phần đế, hiện còn nguyên trạng. Bia có khắc dòng lạc khoản "Minh Mạng nhị thập niên Kỷ Hợi ngũ nguyệt cát nhật tạo", nghĩa là: Năm Minh Mạng thứ 20 (năm Kỷ Hợi) ngày tốt tháng 5 tạo dựng.
Khi dự án mở rộng cầu Bạch Hổ được triển khai, tấm bia cổ đã được dời đi. Thời điểm tấm bia bị dời đi, trả lời PV Thanh Niên, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết cầu Lợi Tế đang được đầu tư mở rộng, tấm bia "Lợi Tế kiều" được di dời về cung An Định và sẽ dựng lại sau khi cầu hoàn thành.
Đến nay, cây cầu hoàn thành, tấm bia đá tên cầu cũng đã được trả lại đặt ở bên đường dẫn hành lang cầu, nhưng cả hai bên cầu đều được gắn bảng là cầu Kim Long. Tên cầu đúng với lịch sử vẫn chưa được trả lại.
Cầu Huyền Hạc biến thành Bạch Yến
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, ngày trước khi đặt tên cầu đều tuân thủ nguyên lý âm dương của phong thủy kinh thành Huế. Các cầu đã được định danh bằng sự phối hợp giữa ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ sắc (trắng, xanh, đen, đỏ, vàng), ngũ phương (tây, đông, bắc, nam, trung ương) và tứ tượng (thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ).
Cụ thể, việc đặt tên gọi cho các công trình cũng tuân theo nguyên tắc dịch lý trên, các công trình ở phía tây nam thường bắt đầu với chữ bạch, như cầu Bạch Hổ, cầu Bạch Yến… Phía đông nam có cầu Thanh Long, cầu Thanh Tước (sau đổi tên thành cầu Đông Hội). Phía sau kinh thành, thuộc về phía bắc, hành thủy nên ứng với màu đen (huyền, huyền vũ)… Cầu Huyền Hạc nằm trước mặt cửa chánh bắc (tức là cửa Hậu) và cầu Bạch Yến nằm trước mặt cửa chánh tây của kinh thành nên được đặt tên như vậy.
Cả hai cầu đều bắc qua hệ thống Hộ thành hà và được xây dựng vào năm 1808, tọa lạc ở 2 mặt thành khác nhau: một ở mặt bắc (tại một vị trí của sông Đào) và một ở mặt tây (tại một vị trí của sông Kẻ Vạn).
Thế nhưng, năm 1994, cầu Huyền Hạc được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép, đến năm 1997 hoàn thành và đặt bảng tên mới là cầu Bạch Yến.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đây là một động tác "đem râu cha nọ đặt cằm mẹ kia", vì phía bắc thuộc hành thủy, ứng với màu đen (huyền, huyền vũ, nên mới có tên cầu Huyền Hạc), trong khi đó thì màu trắng (bạch, trong tên cầu Bạch Yến) thuộc hành kim, ở phía tây. Cách làm này đã góp phần làm sai lệch lịch sử. Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên-Huế và chính quyền TP.Huế nên rà soát lại toàn bộ các công trình cầu, đường có tên gọi sai lệch để trả lại đúng tên cho các công trình gắn liền với lịch sử kinh thành Huế.