Cánh Én chở mùa xuân

08:15 - 16/07/2024

Tôi gặp Én Nhỏ (tên thật Huỳnh Thanh Thảo, 38 tuổi) lần đầu tiên tại lễ tổng kết cuộc thi viết Hào khí miền Đông, do Báo Thanh Niên tổ chức ở thành phố biển Vũng Tàu hồi tháng 1.2024. Én đoạt giải ba với tác phẩm Con kênh tự tình, viết về kênh Đông ở Củ Chi, quê hương của em.

'Được sống là hạnh phúc'

Tôi còn nhớ trong phần giao lưu, nhiều người bật khóc, trong đó có tôi, khi nghe Én chia sẻ câu chuyện của mình. Én nói có lẽ em là trường hợp đặc biệt, không phải vì em bị nhiễm chất độc da cam, bị bệnh xương thủy tinh phải ngồi xe lăn, mà đặc biệt vì em chưa từng đến trường, tự mày mò học chữ. Do thể trạng yếu ớt, chỉ va chạm nhỏ xương cũng dễ gãy nên ba mẹ không dám đưa em đi học, sợ bị tổn thương thân thể. Én khát khao được biết chữ như bạn bè, em xin quyển tập đọc lớp 1, nhờ mẹ dạy. Hai mẹ con mày mò hết tập 1, sang tập 2 thì nhiều chữ khó mẹ không biết. Én rất mong có người đến nhà chơi để hỏi đây là chữ gì, kia là chữ chi. Én miệt mài tích góp con chữ theo cách như thế. Biết chữ rồi Én mê đọc sách, bất kể sách gì có được. Lúc 9 tuổi, Én vỡ òa sung sướng khi lần đầu biết viết, là tên ba mẹ của mình.

Cánh Én chở mùa xuân

Én giao lưu tại lễ trao giải Hào khí Miền Đông của Báo Thanh Niên

tác giả cung cấp

Không dừng lại ở việc học cho mình, năm 14 tuổi, Én mở lớp tình thương dạy chữ cho những trẻ không thể đến trường. Đến ngày 7.3.2009, Én lập thư viện mini Cô Ba cung cấp sách đọc miễn phí cho trẻ em lẫn người lớn. Từ khi thành lập, thư viện còn có nhiều hoạt động đồng hành cùng các em và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: quỹ học bổng "Cô Ba Ấp Ràng", vui khai trường, mừng trung thu, cùng nhau đón tết, tổ chức các cuộc thi viết, và nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Én chia sẻ: "Được sống là hạnh phúc, còn sống là còn hy vọng. Em phải sống làm sao để ba mẹ tự hào. Em nghĩ sinh ra không lành lặn không phải là bất hạnh, chỉ là bất tiện mà thôi".

Bên dưới, tôi ngồi cạnh dì Nguyễn Thị Xuân, mẹ của Én. Dì tuôn trào nước mắt khi nghe con tâm sự, nhưng tôi biết đó là giọt nước mắt hãnh diện, giọt nước mắt tự hào. Dì nói, "Hồi mới sinh ra, thấy nó không thể đi đứng như mọi người, ngay cả chuyện vệ sinh cũng cần người giúp, tui nghĩ rủi mai mốt mình chết, nó biết làm sao. Nhưng tới giờ, thấy nó sống khỏe, sống vui, tui thấy an lòng".

Cánh Én chở mùa xuân

Én và mẹ trong một buổi triển lãm

 

Én đam mê viết, đoạt không ít giải thưởng, gần nhất là giải ba cuộc thi Hào khí miền Đông Báo Thanh Niên, giải ba cuộc thi Xuân sum vầy - Tết sẻ chia Báo Người Lao Động năm 2024… Đọc tác phẩm của Én, chỉ thấy sự lạc quan yêu đời, không hề nhắc tới tình trạng cơ thể. Đó là điều tôi hết sức khâm phục. Tôi còn nhớ sau khi Én chia sẻ, nhà văn Thu Trân - giám khảo cuộc thi - nói: "Rất bất ngờ, bởi khi đọc Con kênh tự tình, cứ nghĩ tác giả là thanh niên xung phong".

Tôi còn choáng ngợp khi biết danh sách dài dằng dặc những thành tích của Én trong công tác xã hội từ năm 2010 đến nay, chỉ xin điểm vài giải tiêu biểu gần đây: Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng 2021; Đại biểu được tôn vinh trong "Vươn lên mạnh mẽ" 2022; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM 2023…

'Én luôn bay lượn trong vườn ước mơ'

Khi chia tay, Én hẹn tôi khi có dịp em sẽ lên Đà Lạt gặp. Cứ nghĩ lời hẹn xa xôi lắm vì quãng đường xa, Én đi lại khó khăn. Ấy vậy mà không lâu sau, Én nhắn em sắp tổ chức chuyến tham quan Đà Lạt cho những người cùng cảnh ngộ nhân ngày Người Khuyết tật VN 18.4. Đoàn gồm 15 người khuyết tật, trong đó có 8 người khuyết tật vận động, 7 người bị xương thủy tinh trong nhóm Xương Rồng Thủy Tinh do Én thành lập. Nhóm là nơi kết nối những bạn xương thủy tinh ở cả ba miền Tổ quốc, để chia sẻ, động viên và hỗ trợ nhau.

Cánh Én chở mùa xuân

Chuyến tham quan Đà Lạt của Én và các bạn đồng cảnh ngộ

 

Các bạn đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau và đa phần đều chưa bao giờ rời khỏi nhà, xa sự chăm lo của người thân. Tôi nghe mà toát mồ hôi, bởi chỉ mỗi chuyện vận động gia đình cho các bạn đi chơi đã tốn nhiều công sức. Cũng chứng tỏ họ rất tin tưởng mới giao con em cho Én.

Hôm đoàn tới Đà Lạt, tôi đến chơi cùng mọi người. Tại đây, tôi gặp em Hoài Nhớ, bị xương thủy tinh, ở Quảng Trị, vùng giáp biên giới với Lào; em Hiền ở Trà Vinh, 27 tuổi chỉ nặng 12 kg, ẵm gọn trên tay; hay em Thy Huệ ở Kiên Giang, bị sốt bại liệt. Huệ tâm sự sắp tới em muốn đi một chuyến miền Trung vì bệnh của em chưa biết còn ra ngoài được ngày nào. Tôi nghẹn đi còn Huệ thì vẫn tươi cười. Còn nhiều bạn khác nữa, mỗi người mỗi cảnh. Các bạn đều có nghề của mình: thêu tranh chữ thập, làm hoa giấy, sản phẩm len… phụ giúp gia đình. Bỏ qua mệt nhọc, ai cũng vui vẻ, háo hức về chuyến đi đầu đời của mình.

Để tổ chức được chuyến đi như vậy, Én vận động, kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ, cùng một số bạn tổ chức bán hàng, là sản phẩm do các bạn gửi về, cộng với bán online để tăng đầu ra, thêm kinh phí. Các "shop" trích một phần doanh thu cho chuyến đi. Én nói sở dĩ để các bạn đóng góp là muốn các bạn tự hào mình có góp phần chứ không chỉ dựa vào tài trợ.

Tối gala, ngoài tiếng cười, còn có giây phút lắng đọng khi Én tặng quà cho cha mẹ của các bạn khuyết tật, cảm ơn vì họ luôn đồng hành cùng con, không bỏ rơi dù biết phải chăm con đến hết cuộc đời.

Khi xe về tới nhà Én, mọi người được tình nguyện viên bế xuống xe. Én là người sau cùng. Không may, người bế Én vấp tấm thảm. "Em bay từ trên xe xuống đất. Mọi người như ngưng thở khi thấy mũi miệng em đầy máu. Em ráng nói không sao cho mọi người thở, chớ xỉu hết làm sao đủ xe cấp cứu", Én vẫn đùa khi tôi hỏi thăm. Én bị gãy xương, chỉ có thể nằm ngửa trên giường, không xoay trở được. Ngoài việc không thể làm gì thì chuyện ăn uống, vệ sinh càng thêm khó nhọc. Vậy mà Én nói: "Còn sống là mừng rồi. May người té là em, nếu là bạn khác thì em áy náy, tự trách lắm".

Những ngày dưỡng thương, Én vẫn tất bật nhờ người phụ giúp tổng kết, trao giải, gửi quà sau cuộc thi viết Một chữ duyên do thư viện mini Cô Ba tổ chức. Rất nhiều bạn háo hức khoe thành tích và quà trên facebook, là những quyển sách, các sản phẩm do các bạn trong nhóm Xương Rồng Thủy Tinh làm. Én đã kết nối mọi người lại gần nhau, để thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc sống.

Số tiền còn lại sau khi tổng kết, Én hỗ trợ bệnh nhân ung thư ở tỉnh Tiền Giang và H.Củ Chi, mua nước lọc cho bà con miền Tây, mua nước sâm cho cô chú lao động ở TP.HCM, hỗ trợ bếp ăn mái ấm ở Bình Phước, tặng học bổng…, cứ thế cho đến khi quỹ còn lại 0 đồng. Đây cũng là cách hoạt động thiện nguyện của Én: kêu gọi tài trợ khi có chương trình và giải ngân toàn bộ.

Nhìn Én nằm không yên, hết lo cái nọ tới cái kia, tôi càng thương và khâm phục cô gái nhỏ xíu mà có nghị lực và tấm lòng thật phi thường. Tôi nhớ những câu thơ do tác giả Lê Văn Minh tặng Én trong lễ trao giải Hào khí miền Đông:

… Én không chấp nhận vô thường

Én luôn bay lượn trong vườn ước mơ

Nghị lực của Én như thơ

Nhặt từng con chữ đợi chờ người qua

Góp nhặt từng chút quanh ta

Tạo thành hương sắc đài hoa với đời…

Một vài giải tiêu biểu khác của Én từ năm 2010-2020

Giải Chim Én - Tôn vinh những cá nhân hoạt động thiện nguyện do FPT tổ chức năm 2011; "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" do Thành đoàn TP.HCM tặng năm 2012, 2013; "Gương nghị lực phi thường" do Tập đoàn Hoa Sen tổ chức năm 2014; Nhân vật của chương trình "Vì bạn xứng đáng" của VTV3, "Tỏa sáng giữa đời thường" của HTV7 năm 2015; Bằng khen Chủ tịch UBND TP.HCM 2016; Tỏa sáng nghị lực Việt 2020…

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Báo Thù SCTV14

Anh hùng phản hắc - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

sctvonline Trang tin nhịp sống hôm nay
scj-shopping Truyền hình cáp SCTV

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...