Các chiến dịch quân sự chiếm ưu thế của Pháp trên chiến trường dẫn đến việc ký kết các hòa ước trên bàn đàm phán giữa Pháp với Đại Nam, qua đó giúp Pháp chính thức thiết lập chế độ bảo hộ ở Trung kỳ và Bắc kỳ của vương quốc Đại Nam, trước đó là thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam kỳ.
Khi đã bình định xong, người Pháp tiếp tục thực hiện các chế độ hành chính, chính sách về y tế, văn hóa, giáo dục… song song với công cuộc khai thác thuộc địa. Dưới thời Pháp thuộc, người nông dân Việt bớt khốn cùng hơn trước, "mức sống trung bình của người bản xứ tăng lên trong 50 năm qua [1888 - 1938]", tuy nhiên cơ bản "cuộc sống khốn khó vẫn chưa biến mất" dưới ách cai trị của chế độ thực dân Pháp.
BỨC TRANH VĂN HÓA, LỊCH SỬ ĐÔNG DƯƠNG
Lịch sử kinh tế Đông Dương diễn ra song hành với lịch sử thực dân, vì vậy tác giả Charles Robequain đã dành một dung lượng tương đối để khái quát nguyên ủy cuộc can thiệp vào Đông Dương của Pháp, quá trình xâm lược và thiết lập chế độ cai trị của Pháp ở Đông Dương.
Charles Robequain dành 4 chương đầu cuốn sách để phân tích các nhân tố tác động tới nền kinh tế Đông Dương, gồm: con người, sự kết nối (mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và các hải cảng), và 2 yếu tố góp phần mang đến phát triển kinh tế là các học thuyết kinh tế, là vốn và sự lưu thông của vốn.
Tác giả dành phần nội dung còn lại để làm rõ sự chuyển biến của nền kinh tế Đông Dương thời kỳ Pháp thuộc, ông gọi là "những hoạt động kinh tế mới", qua việc phân tích các ngành công nghiệp, ngoại thương (trao đổi thương mại) hay những biến đổi của nền nông nghiệp bản địa…
Charles Robequain cho rằng: "Vị trí của Đông Dương ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc, bên bờ Thái Bình Dương, đối diện với thế giới châu Đại Dương, Đông Dương được đưa vào trong một hệ thống những mối quan hệ văn hóa và kinh tế, các mối quan hệ này sẽ là vô nghĩa và nguy hiểm nếu không đánh giá đúng hoặc xem nhẹ các yếu tố này".
Vì vậy, trước hết, toàn bộ diễn trình phát triển kinh tế Đông Dương nói chung, từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1938, dưới thời Pháp thuộc được Charles Robequain trình bày một cách công phu, cặn kẽ và thấu đáo trong công trình nghiên cứu Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp. Sau đó, thông qua một lịch sử kinh tế thuộc địa với những số liệu khô khan là bức tranh văn hóa, lịch sử, chính trị Đông Dương nói chung ẩn phía dưới được tác giả khắc họa rõ nét bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành, khoa học nhưng cũng đầy lý thú.
5 năm sau khi bản Pháp ngữ được in, phiên bản Anh ngữ có nhan đề The Economic Development of French Indo-China được ấn hành thể hiện nhu cầu tìm hiểu về Đông Dương của giới VN học. Đã từng có phong trào tái bản các tác phẩm xưa và nhìn lại quá khứ diễn ra sôi động, chẳng hạn ở Pháp vào năm 1994 các học giả tổ chức in lại tác phẩm Les ports de l'Extrême-Orient xuất bản lần đầu năm 1869 và giáo sư Brocheux đã viết những dòng trên trong lời giới thiệu.
Để công trình tiên phong của mình trở thành tài liệu khả tín trong mắt các học giả đương thời, Charles Robequain đã tập trung khai thác được nguồn tài liệu đồ sộ, phong phú, cùng nguồn số liệu đa dạng và phương pháp nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn. Vì vậy, dù xuất hiện muộn màng, bản Việt ngữ Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp được Phạm Ngọc Hiệp - Trần Văn Kiên - Ninh Xuân Thao dịch, Trần Xuân Trí hiệu đính (NXB Đại học Sư phạm vừa ấn hành), như điền vào chỗ khuyết trống về tư liệu chuyên sâu, góp phần mang đến nguồn sử liệu quý giá cho công việc nghiên cứu, đào tạo và cho sự hiểu biết chung về bức tranh văn hóa - lịch sử Đông Dương đầy sôi động một thời.
Charles Robequain (1897 - 1963) học ngành Lịch sử - Địa lý ở Pháp và làm việc tại Trường Viễn Đông Bác cổ (Hà Nội) giai đoạn 1924 - 1926. Năm 1926, ông vừa làm luận án tiến sĩ vừa tham gia giảng dạy tại Trường Albert Sarraut (Hà Nội). Charles Robequain bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1928.
Ông từng làm việc tại nhiều trường đại học nổi tiếng ở Pháp như: Rennes, Nice và sau đó trở thành giáo sư tại trường Đại học Sorbonne ở Paris và được đánh giá là người tiên phong trong nghiên cứu về địa lý, lịch sử vùng Viễn Đông với di sản đồ sộ hơn 100 công trình.