Nhạc sĩ Nguyễn Đình San là tác giả nhiều bài hát quen thuộc: Chiều nắng, Trên dòng sông Lai Hạ, Khúc quân hành mùa xuân, Về Hà Tiên, Chiều Nhật Lệ, Tuy Hoà – một khúc thu, Hè về, Tuổi 15... Ông còn là nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật, nhà báo với bút lực sung mãn, năng lượng dồi dào, sức viết khoẻ với chất lượng cao trong mọi lĩnh vực hoạt động. Ông vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Nhạc Việt Nam – những vùng sáng tối (tập 2), tập 1 ra mắt độc giả năm 2006. Cuối năm này, sách được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam về lý luận. Sau gần 20 năm, tập 2 mới ra đời. Sở dĩ như vậy, tác giả cho biết ông có quá nhiều hoạt động khác nên không thể tập trung viết phê bình, lý luận trong khi công việc này cần một thời gian nhất định để tích luỹ tư liệu.
Cuốn sách “Nhạc Việt Nam - những vùng sáng tối”, tập 2.
Cũng như tập 1, Nhạc Việt Nam – những vùng sáng tối tập II tiếp tục với những nội dung: Bình luận những vấn đề về âm nhạc, giới thiệu chân dung các nghệ sĩ âm nhạc (nhạc sĩ và ca sĩ). Nguyễn Đình San phát huy lối viết mạch lạc, khúc triết bằng cái nhìn thẳng thắn, sắc sảo với tinh thần trách nhiệm cao, không né tránh, không ngại va chạm, mất lòng, Nguyễn Đình San không ngần ngại cung cấp một góc nhìn khác tới độc giả.
Ví dụ trong bài Cần minh định lại một vài tên tuổi trong quá khứ (trang 99), ông đánh giá lại một vài nhạc sĩ nổi tiếng, cho rằng đó là những người thực sự tài năng nhưng chưa tới mức như lâu nay người ta vẫn đồn thổi, cho rằng vượt lên tất cả, không ai so bằng, thậm chí như là... huyền thoại. Đó là những Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phú Quang. Những nhạc sĩ này, theo quan điểm của Nguyễn Đình San là không thể phủ nhận tài năng và tầm ảnh hưởng trong xã hội nhưng chỉ ở một mức độ nào đó, trong phạm vi công chúng nào đó. Trong khi đó, nhiều bài hát của Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Văn Chung, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Huy Du, Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn... có sức lan tỏa tới mọi tầng lớp xã hội khiến ai nấy đều hâm mộ. Những nhạc sĩ này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến đời sống tinh thần của họ trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng và kháng chiến, được tất thảy mọi tầng lớp xã hội ưa thích. Vậy sao có thể đánh giá họ ngang bằng, thậm chí là thấp hơn so với mấy “thần tượng” kia được?
Rõ ràng là không công bằng, có phần thiên lệch một cách rất cảm tính, chủ quan. Trong bài viết, tác giả vạch rõ: Nghe ca khúc của Phú Quang một vài bài còn thấy hay, chứ nghe liền nhiều bài thì rõ là đơn điệu (monotone) vì tất cả chỉ một “e” mineur. So với những nhạc sĩ cùng thế hệ, tác giả này không thể bằng những Phó Đức Phương, An Thuyên, Trần Tiến, Nguyễn Cường. Đoàn Chuẩn thì cũng chỉ dăm bảy bài yêu đương, nhớ nhung, đều nổi rõ âm điệu đàn Hawaii, chỉ đáp ứng người nghe lúc “trà dư tửu hậu”. Trịnh Công Sơn cũng chỉ có chừng mươi bài hay, nhiều bài còn lại nhạt và nhiều lời ca tối nghĩa. Không phải ai nghe cũng thích chất thiền, chất triết lý trong ca khúc của nhạc sĩ này.
Đọc bài viết, thấy sự đánh giá lại của Nguyễn Đình San, bản thân tôi ngẫm thấy chí lý và tâm đắc. Quả tình, từ trước tới nay, tôi chưa nghe ai nói như ông đã viết. Người ta đã quá tôn sùng mà không thấy sự hạn chế như Nguyễn Đình San đã thấy trong toàn bộ sự nghiệp của những nhạc sỹ rất nổi tiếng trên.
Tác giả cuốn sách đã nêu sự hạn chế của những cuộc thi sáng tác ca khúc, không đem lại hiệu quả, nhưng lại rất tốn kém ngân sách Nhà nước. Mục đích tốt đẹp là mong có được những sáng tác mới có chất lượng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng. Nhưng theo Nguyễn Đình San, sự thật thì do cung cách tổ chức, trong đó có khâu giám khảo không ổn mà rốt cuộc các cuộc thi đều không để lại được dấu ấn trong lòng công chúng.
Bàn đến giới ca sĩ, sau khi đánh giá cao vai trò của họ trong đời sống xã hội, Nguyễn Đình San thẳng thắn vạch ra những hạn chế. Đó là sự lười biếng trau dồi kiến thức về văn hoá, xã hội, lười biếng tìm kiếm tác phẩm mới có chất lượng, chỉ bằng lòng với những bài đã quá quen thuộc cho “chắc ăn”, đỡ phải mất công xâm nhập vào tác phẩm. Đó là không chịu cày xới nội dung, giá trị của tác phẩm, không chịu gặp gỡ, học hỏi tác giả để thể hiện bài cho tốt hơn. Đó là sự “sáng tạo” nhiều khi phá tác phẩm, khiến “lợn lành hóa lợn què”.
Tác giả cũng phê phán lối hát cứng, chỉ nặng về kỹ thuật mà nhẹ về nắm bắt cái hồn của tác phẩm, nhất là không có khả năng hát tốt dân ca của những học sinh được đào tạo chính quy trong các nhạc viện. Đọc bài viết này, giới giảng dạy thanh nhạc dễ không hài lòng. Nhưng đó là sự thật. Không nhiều người học hành nhiều, chính quy về thanh nhạc lại hát hay được như những Quốc Hương, Quý Dương, Kiều Hưng, Doãn Tần, Lê Dung… Không ít người mang danh NSND nhưng hát ít thuyết phục người nghe do cách hát quá nệ vào kỹ thuật mà bỏ qua khâu đi sâu tìm hiểu tác phẩm để chạm được vào trái tim người nghe.
Một phần chiếm dung lượng lớn của cuốn sách là những bài viết về các nhạc sĩ, ca sĩ. Đây cũng là một sở trường của Nguyễn Đình San. Ông có lối viết về cuộc đời và sự nghiệp của các nghệ sĩ rất sinh động, dựng được đầy đủ nét tính cách cũng như mọi thành quả lao động trong sự nghiệp của họ. Yếu tố hấp dẫn bạn đọc ở những bài viết này là tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều tình tiết về cuộc sống riêng tư trong đời thường của các nghệ sĩ mà không mấy người biết. Nhiều nhạc sĩ tài năng gắn với những ca khúc nổi tiếng của họ đã được tác giả cuốn sách khám phá đời sống tinh thần, cắt nghĩa phong cách sáng tạo khá độc đáo của từng người. Bạn đọc không dễ dàng có điều kiện để biết rõ về thân thế, tính cách cũng như phong cách sáng tác của những nhạc sĩ từng sinh sống, lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh trước năm 1975. Đó là những nhạc sĩ Y Vân, Văn Phụng, Phạm Thế Mỹ, Lam Phương, Chung Quân… Ông có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, không kỳ thị, định kiến mà khai thác hết giá trị những tác phẩm của họ trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Ảnh minh họa
Người đọc rất thích những phát hiện thú vị của Nguyễn Đình San khi bình luận về một số tác phẩm vốn dĩ đã rất nổi tiếng. Ông vạch ra những sai sót ai đọc cũng không thể không tâm đắc. Ví như trong bài hát Em đi giữa biển vàng rất nổi tiếng dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo có câu “Hương lúa chín thoang thoảng bay làm lung lay hàng cột điện”. Ông cho rằng ca từ như vậy là không thực tế khiến ai nghe cũng không thể chấp nhận. Ông phê thật hóm hỉnh: “Hương lúa mới thoang thoảng bay mà hàng cột điện nặng hàng tấn đã “lung lay”. Vậy đến khi lúa chín vàng xộm, cái hương lúa kia không còn thoang thoảng mà đã đậm đặc thì có lẽ cột điện đổ kềnh. Vậy còn ai dám ra đồng nữa vì cực kỳ phiêu lưu, mạo hiểm!”. Trong bài hát nổi tiếng Tiếng đàn ta lư của Huy Thục, có chi tiết “đồn quân giặc bốc cao cao”, Nguyễn Đình San viết: “Đồn giặc cháy thì ngọn lửa bốc cao, chứ cái đồn sao lại bốc cao, bốc đi đâu?” và rất nhiều phát hiện khác về việc nhiều tác giả nổi tiếng có những xử lý ca từ ngây ngô khiến người đọc thấy thú vị, tâm đắc.
Không sa đà vào những lý luận mang tính sách vở, kinh viện mà nhằm thẳng vào những vấn đề thiết thực đang đặt ra trong đời sống âm nhạc liên quan đến công chúng bằng ngòi bút giàu tính chiến đấu với những phát hiện tinh tế là đặc điểm của tập sách. Cũng vì tác giả là người sáng tác với những ca khúc rất trữ tình, lãng mạn nên có lối viết dạt dào cảm xúc khiến người đọc sau khi khép lại cuốn sách dày trên 400 trang, vẫn muốn đọc thêm. ập sách công phu, chất lượng mang rõ dấu ấn bút lực và cá tính của tác giả. Bạn đọc chờ đợi những tập sách như thế này của ông tiếp tục ra đời.