“Sông Đăk Rông mùa xuân về” - Ca khúc để đời của nhạc sĩ Tố Hải

10:07 - 20/01/2025

Giá trị nhân văn cao đẹp của nhạc phẩm là mùa xuân với sức sống mãnh liệt biểu trưng là con sông Đăk Rông gắn liền với con người Tây Nguyên đang sống, lao động, chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Nhạc sĩ Tố Hải tên thật là Tô Hải, sinh ngày 20/12/1937, quê ở huyện Bắc Bình, tỉnh Thuận Hải. Ông nhập ngũ năm 1953 làm chiến sĩ công binh của Trung đoàn 812 ở Nam Trung Bộ. Năm 1954, theo đơn vị, ông ra Bắc tập kết. Với lòng say mê âm nhạc, ông vừa làm chiến sĩ công binh, vừa là chiến sĩ văn nghệ. Những ca khúc “Cây đàn ghi-ta”, “Đêm liên hoan” được ghi nhận là những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Tố Hải.

Năm 1961, Tố Hải từ miền Bắc XHCN vượt Trường Sơn trở về miền Nam. Người chiến sĩ - nhạc sĩ trẻ vừa làm diễn viên, vừa làm cán bộ sáng tác âm nhạc của Đoàn Văn công Quân giải phóng khu V. Ông đã cùng đồng đội vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trên dải Trường Sơn hùng vĩ và luôn có mặt ở các đơn vị, ở những nơi nóng bỏng để viết, để hát động viên chiến sĩ, đồng bào.

Những sáng tác tiêu biểu của Tố Hải thời kỳ này phải kể đến: “Phan Hành Sơn vào trận đánh” (1963) bài hát ca ngợi người dũng sĩ Quảng Nam dũng cảm, mưu trí đánh tan hàng tiểu đoàn giặc trên núi Ngũ Hành; “Em đi chuyển gạo đêm xuân” (1963); “Bốn mùa em đi” (1964) khắc họa một hình tượng đẹp đẽ, đáng yêu, ngợi ca cô giao liên Trường Sơn với khẩu hiệu “Vai ngàn cân chân ngàn dặm” tải gạo, súng đạn cho chiến trường bằng nét nhạc lạc quan, yêu đời. Có thể nói tính cách riêng trong sáng tác âm nhạc của Tố Hải đã hình thành từ thời kỳ này, đó là thiên về những ca khúc trữ tình, đằm thắm, chất lửa được ẩn trong lời ca. Giai điệu đằm thắm mượt mà mang âm hưởng của âm nhạc dân gian.

Năm 1970, Tố Hải rời chiến trường khu V ra miền Bắc học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Năm 1975, Tố Hải trở về miền Nam. Niềm vui trở về quê hương đã được ông ghi lại trong những ca khúc như: “Sao chiến thắng trên thành phố Đà Nẵng”; “Thành phố phía Tây”; “Con suối màu xanh”; “Trên ngọn sóng Trường Sa”; và một ca khúc dành cho thành phố Nha Trang của ông “Mùa xuân thành phố biển”. Sau ngày thống nhất đất nước, chủ đề chính trong sáng tác của Tố Hải là quê hương đang đổi mới, đó là những ca khúc: “Bài ca gửi mẹ”; “Đêm cao nguyên”; “Mùa xuân bên Tháp Chàm”… Năm 1985, tỉnh Khánh Hòa đã chọn in ba tác phẩm của Tố Hải trong Tuyển tập ca khúc 10 năm (1975-1985), đó là những ca khúc: “Tiếng hát đầu mùa”; “Mùa xuân thành phố biển”; “Tiếng hát người canh rừng”.

Trong những ngày Hà Nội rực lửa cháy B52, nhạc sĩ Tố Hải đã viết “Bài ca gửi Hà Nội” và một ca khúc mới mang sắc thái mới, ca khúc “Sông Đăk Rông mùa xuân về”. Trong ca khúc “Sông Đăk Rông mùa xuân về”, nhạc sĩ đã sử dụng thành công chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên mang hồn nhạc nồng thắm được kết cấu trong một bố cục hợp lý. Có thể nói đây là thành công mới, một bước tiến của Tố Hải. Tác phẩm đã nhanh chóng có tiếng vang và được người nghe yêu thích.

Nhạc sĩ Tố Hải kể: Ca khúc “Sông Đăk Rông mùa xuân về” được hình thành những giai điệu đầu tiên từ Xuân Mậu Thân năm 1968. Sau đó là giai đoạn mặt trận vô cùng khó khăn, ca khúc đành nằm gọn trong chiếc ba-lô người lính ròng rã những chặng đường hành quân…

Đầu năm 1975, trong buổi sáng xuân trong lành và yên ả của miền Bắc, được tin những tiếng súng mở màn chiến dịch Tây Nguyên đã nổ, quân ta đang tiến công địch như thác lũ ào ào… Bất chợt, những cảm xúc về Tây Nguyên, về những ngày lăn lộn khắp các chiến trường trào dâng mãnh liệt trong ông. Ngay buổi sáng hôm đó, tại một căn lán ở Nhổn (Hoài Đức, Hà Tây cũ), Tố Hải đã hoàn thành bài hát “Sông Đăk Rông mùa xuân về” mà ông từng viết dang dở ngày nào. Ngay trong buổi chiều hôm ấy, ông hồ hởi đạp xe mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát lập tức được dàn dựng do nghệ sĩ Kiều Hưng thể hiện.

Năm 2002, tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả về bài hát “Sông Đăk Rông mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, thính giả Nguyễn Ngọc Cầu ở Hiền Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình đã viết: “Nhạc phẩm ‘Sông Đăk Rông mùa xuân về’ của nhạc sĩ Tố Hải là một trong những nhạc phẩm hay nói về mùa xuân ở Tây Nguyên, nhưng ý nghĩa sâu sắc và giá trị của nó là nhạc phẩm nói đến Tây Nguyên của đất nước ta, mà trong đó là những con người Tây Nguyên đầy sức sống đã đoàn kết chiến đấu anh dũng… Bài hát có nhạc điệu khỏe khoắn, nhịp đi dồn dập, hình ảnh tươi sáng, sống động, cảnh và người hòa quyện nhau: ‘Con suối hát tháng ngày… Nối đôi bờ mùa xuân… theo bước đoàn quân đi’”.

Giá trị nhân văn cao đẹp của nhạc phẩm là mùa xuân với sức sống mãnh liệt biểu trưng là con sông Đăk Rông gắn liền với con người Tây Nguyên đang sống, lao động, chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Cùng dành tình cảm cho bài hát “Sông Đăk Rông mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, thính giả Tô Thị Duyên ở Tiền Hải - Thái Bình viết: “Như sao bay trên núi/ Theo bước đoàn quân đi/ Qua con sông con suối/ Vẫn nhớ về buôn làng/ Cây Kơ-nia bóng mát/ Con suối hát tháng ngày/ Cờ giải phóng phất cao…”

Mỗi khi nghe giai điệu của bài hát cất lên, như nhắc nhở chúng ta hồi tưởng những ngày chiến đấu gian khổ của người dân Tây Nguyên. Giờ đây, trước giờ phút thiêng liêng của giao thừa chuyển sang một năm mới, mùa xuân như tiếp thêm sức mạnh để bước chân người lính Trường Sơn vững chắc hơn băng đèo lội suối. Làm chúng ta thêm tin yêu cuộc sống. Mỗi năm lại đón một mùa xuân, lại có những đổi thay làm núi rừng Tây Nguyên thêm đẹp hơn… Khi âm vang của bài hát kết thúc, chúng ta cũng cảm thấy vui vì được cùng người dân và núi rừng Tây Nguyên đón chào một mùa xuân mới. Cảm ơn nhạc sĩ Tố Hải đã viết nên những câu hát thân thương, giàu cảm xúc”.

Và tới đây, thính giả Tô Thị Duyên kết thúc bài cảm nhận của mình, bạn viết: “Cảm ơn nhạc sĩ Tố Hải đã viết nên những câu hát thân thương, giàu cảm xúc, cảm ơn nghệ sĩ Kiều Hưng với chất giọng ấm áp, truyền cảm đã cùng với ca khúc ‘Sông Đăk Rông mùa xuân về’ của nhạc sĩ Tố Hải đưa chúng ta về với núi rừng Tây Nguyên và mang đến cho người nghe một mùa xuân với những cảnh đẹp giàu tình người - mùa xuân của thời đại mới”.

Có thể nói, “Sông Đăk Rông mùa xuân về” cùng với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Tố Hải đã đóng góp vào kho tàng âm nhạc của đất nước những ca khúc hay.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Người bố thân yêu - SCTV9

 

Thám tử thần toán - SCTV9

 

Đường đích chiến thắng - SCTV9

CÙNG SCTV VUI TẾT SUM VẦY - QUÀ ĐẦY Ý NGHĨA

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...