Phan Đăng Hoàng được nhắc đến như một gương mặt thiết kế trẻ tiêu biểu đã đưa bản sắc, câu chuyện văn hóa Việt vào thời trang qua bộ sưu tập Quintessence (Tinh hoa). Lấy cảm hứng từ các làng nghề thủ công đan lát, mây tre hay nghề dệt vải từ sợi tơ tằm…, Phan Đăng Hoàng mang đến thông điệp về việc gìn giữ và bảo vệ các nét đẹp truyền thống của ông cha. Với bộ sưu tập xuân hè 2025, nhà thiết kế sinh năm 2000 tiếp tục tái hiện hình ảnh phụ nữ VN 100 năm trước bằng việc kết hợp lấy ý tưởng từ tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh và nghệ thuật tạo hình gốm sứ. Hình ảnh phụ nữ Việt qua 40 mẫu thiết kế ấn tượng đã được trình diễn tại Milan Fashion Week (Ý), một trong 4 tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới vào tháng 8.2024.
Chia sẻ với Thanh Niên, Phan Đăng Hoàng nói: "Tôi luôn có tình yêu đặc biệt với văn hóa VN, tìm thấy cội nguồn, giá trị lịch sử, căn tính Việt ở đó, và người trẻ như tôi phải có trách nhiệm gìn giữ những điều này bằng sở trường, khả năng của mình".
Tại Tuần lễ thời trang Paris 2024 (Pháp), Phan Huy đã tái hiện vẻ đẹp của các hang động nổi tiếng của VN như Sơn Đoòng, Phong Nha… (Quảng Bình) trong bộ sưu tập Lost in the Cavern tạo dấu ấn đặc biệt. Trước đó, nhà thiết kế sinh năm 1999 đã từng khai thác vẻ đẹp của phá Tam Giang gây ấn tượng mạnh với ban tổ chức sự kiện Paris Fashion Air (Pháp) hay cánh đồng quê VN với ánh nắng chiều trải dài, cây lúa… qua bộ sưu tập La Moyenne Région.
Nói về lý do mang thời trang đậm bản sắc Việt ra thế giới, nhà thiết kế Phan Huy cho biết: "Tôi thấy xu thế tất yếu trên thế giới là các nhà thiết kế đến từ nơi nào sẽ mang nét đặc trưng, câu chuyện của đất nước họ vào thời trang để giới thiệu đến bạn bè quốc tế. VN có rất nhiều bản sắc văn hóa, chúng ta cần phát triển ở góc nhìn mới mẻ, ứng dụng vào thời trang nhằm tôn vinh giá trị truyền thống, đây là điều cần làm".
Nhà thiết kế Phan Trần Thu Hằng cũng là cái tên ấn tượng khi đưa chất liệu văn hóa dân gian Việt vào thời trang tại Tuần lễ thời trang quốc tế VN 2024. Bộ sưu tập Dệt mộng của cô gồm 28 thiết kế sử dụng chất liệu chủ đạo là gấm, lụa, da kết hợp đính đá thủ công, khai thác họa tiết, kiểu dáng theo ý tưởng trang phục thời nhà Nguyễn như áo ngũ thân, áo đối khâm... Nhà thiết kế sinh năm 1997 đã khéo léo đưa những chi tiết cổ xưa kết hợp tính thời thượng để tạo nên nét truyền thống và hiện đại, sự giao thoa giữa xưa và nay.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thái Bình, cái nôi của rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, từ nhỏ tôi thường theo ông bà đi xem chèo, rối nước, đi đắp phù điêu... Đó cũng là lý do tôi chọn cho mình con đường đưa văn hóa nghệ thuật dân gian vào thời trang", Thu Hằng chia sẻ.
PHÁT HUY NGUỒN NĂNG LƯỢNG TRẺ, GÓC NHÌN MỚI
Với những nhà thiết kế gen Z, việc đưa văn hóa Việt vào thời trang không hề dễ dàng, bởi họ là người trẻ nên cần một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ và đặc biệt phải có tình yêu thực sự với văn hóa dân tộc, như nhà thiết kế Phan Huy nhấn mạnh: "Ở VN, khi mình kể câu chuyện về văn hóa dân tộc, mọi người dễ nhận biết; nhưng khi ra thế giới, văn hóa của mình là những điều mới mẻ với khách nước ngoài. Áp lực của tôi là làm sao để bạn bè quốc tế hiểu thời trang của mình, văn hóa của mình. Vì vậy, tính thiết kế phải được đặt để sao cho hài hòa giữa bản sắc văn hóa dân tộc với góc nhìn, thị hiếu của thời trang thế giới".
Nói thêm về áp lực của một nhà thiết kế trẻ, Phan Huy cho rằng để truyền tải, sử dụng những chất liệu văn hóa truyền thống vào thời trang, cần đảm bảo tính chính xác trong sự sáng tạo nhưng cũng phải hợp với thị hiếu ngày nay. "Vì vậy, việc lược bỏ hay chắt lọc cho phù hợp là phạm vi rất mong manh giữa đúng và sai; đòi hỏi người thiết kế phải nghiên cứu, nhìn nhận kỹ lưỡng, không phạm phải những điều cấm kỵ về chuyên môn mà sản phẩm của mình vẫn tôn vinh được văn hóa dân tộc", Phan Huy nói thêm.
Theo nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng, khi làm ra sản phẩm, phải có quá trình nghiên cứu kỹ để hiểu giá trị, căn nguyên cốt lõi về văn hóa, về đương đại và truyền thống. Và khi kết hợp, phải làm thế nào để vừa hợp với số đông, vừa tôn vinh nét đẹp văn hóa, vừa tạo nên chất riêng của mình.
Nói về thế mạnh của một nhà thiết kế trẻ, Phan Trần Thu Hằng khẳng định góc nhìn mới mẻ, liều lĩnh trong sáng tạo sẽ đem đến cảm hứng và ý tưởng để tạo ra sự độc đáo, hài hòa, vừa phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc vừa tôn vinh giá trị cá nhân.
"Thế mạnh của nhà thiết kế gen Z là nguồn năng lượng trẻ. Họ là thế hệ ở giai đoạn chuyển giao của khoa học - công nghệ, rất nhiều sự thay đổi về góc nhìn từ mạng xã hội, thế giới phẳng. Họ luôn muốn sáng tạo trong góc nhìn mới, giữ nét đẹp cốt lõi nhưng phải để mọi người nhìn thấy sự đổi mới, khiến cho những giá trị xưa cũ được sống lại một cách mạnh mẽ", Phan Huy chia sẻ thêm.