Hai vụ án tương đồng về xâm phạm sở hữu trí tuệ, tòa lại xử khác nhau

10:59 - 20/01/2025

Hai vụ án đình đám trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ gần đây, vụ Nhựa Bình Minh và vụ Bia SAIGON, đều liên quan đến hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây nhầm lẫn, nhưng lại được xử lý theo 2 hướng khác nhau. Sự khác biệt này gây ra mối băn khoăn trong cách áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ tại VN.

Bia SAIGON VIETNAM giả nhãn hiệu Bia SAIGON của Sabeco

Cụ thể, trong vụ xâm phạm nhãn hiệu Bia SAIGON của Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Lê Đình Trung và pháp nhân thương mại Công ty CP tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, người đại diện hợp pháp là bà Trần Thị Ái Loan đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đưa ra xét xử.

Hai vụ án tương đồng về xâm phạm sở hữu trí tuệ, tòa lại xử khác nhau

Bia SAIGON VIETNAM (phải) được xác định là sản phẩm giả nhãn hiệu Bia SAIGON của Sabeco (trái)

ẢNH: PHAN THƯƠNG

Theo đó, Công ty CP tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã làm một sản phẩm bia mang nhãn hiệu Bia SAIGON VIETNAM, giống và tương tự BIA SAIGON của Sabeco.

Theo tòa, ông Lê Đình Trung và Công ty CP tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco - nhãn hiệu nổi tiếng. Các sản phẩm bia lon, lon đựng bia và thùng carton đựng bia của Bia SAIGON VIETNAM là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo khoản 2 điều 213 luật Sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm trị giá gần 1,4 tỉ đồng. Do đó, hành vi của ông Lê Đình Trung và pháp nhân thương mại đã cấu thành tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo điều 226 bộ luật Hình sự.

Nhựa Bình Minh kiện nhựa Bình Minh Việt

Trong vụ kiện liên quan quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty CP nhựa Bình Minh và Công ty CP nhựa Bình Minh Việt, tòa xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại. Đồng thời, xác định nhựa Bình Minh Việt không xâm phạm nhãn hiệu nhựa Bình Minh.

Hai vụ án tương đồng về xâm phạm sở hữu trí tuệ, tòa lại xử khác nhau

Sản phẩm nhựa Bình Minh Việt (hình trên) và nhựa Bình Minh

ẢNH: DO NGUYÊN ĐƠN CUNG CẤP

Theo bản án sơ thẩm và đơn khởi kiện, Công ty CP nhựa Bình Minh được người tiêu dùng biết đến với nhãn hiệu "ống nhựa Bình Minh" được bảo hộ theo các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Năm 2023, Công ty CP nhựa Bình Minh phát hiện Công ty CP nhựa Bình Minh Việt có hành vi sử dụng tên doanh nghiệp và các sản phẩm ống nhựa PVC gắn dấu hiệu "BÌNH MINH VIỆT", gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty CP nhựa Bình Minh, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "ống nhựa Bình Minh" khi gắn dấu hiệu "nhựa Bình Minh Việt" lên sản phẩm ống nhựa do Công ty CP Bình Minh Việt sản xuất, kinh doanh.

Quá trình giải quyết vụ án, Công ty CP nhựa Bình Minh cung cấp kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ), nêu dấu hiệu "nhựa Bình Minh" và logo "BVM, hình" mà Công ty Bình Minh Việt sử dụng trong tên doanh nghiệp, gắn lên sản phẩm ống nhựa PVC là yếu tố xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu của Công ty nhựa Bình Minh.

Ngoài ra, Công ty nhựa Bình Minh yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An kiểm tra, xử lý các đơn vị bán hàng hóa của Công ty nhựa Bình Minh Việt chứa dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Công ty nhựa Bình Minh. Theo đó, Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An) đã thu giữ các sản phẩm ống nhựa PVC do Công ty Bình Minh Việt sản xuất tại một số cửa hàng.

Từ vi phạm này, Đội quản lý thị trường số 1 xử phạt hành chính đối với cửa hàng về hành vi buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Đồng thời, Đội quản lý thị trường này cũng có công văn gửi đến Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) để trưng cầu giám định yếu tố xâm phạm.

Kết luận giám định sở hữu công nghiệp khẳng định dấu hiệu "NHUA BINH MINH" gắn trên sản phẩm ống nhựa PVC do Công ty Bình Minh Việt sản xuất là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của Công ty nhựa Bình Minh đang được bảo hộ.

Tên Bình Minh và Bình Minh Việt là không nhầm lẫn

Từ đó, Công ty CP nhựa Bình Minh khởi kiện, yêu cầu Công ty CP nhựa Bình Minh Việt loại bỏ các dấu hiệu xâm phạm "Bình Minh" trên các sản phẩm và các phương tiện kinh doanh, tài liệu khác (nếu có); ngưng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chứa dấu hiệu xâm phạm trên thị trường…

Ngược lại, Công ty CP nhựa Bình Minh Việt cho rằng đã thực hiện việc thành lập hợp pháp và hoạt động đúng quy định; tên không trùng và không gây nhầm lẫn. Điều này thể hiện rõ ràng, cụ thể, dễ dàng phân biệt và nhận biết, rằng: tên Bình Minh gồm có 2 tiếng, 8 chữ cái, còn BÌNH MINH VIỆT gồm 3 tiếng, 12 chữ cái.

Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định, về quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu "Bình Minh", căn cứ vào các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, đủ căn cứ xác định Công ty CP nhựa Bình Minh là chủ sở hữu được đăng ký bảo hộ hợp pháp đối với nhãn hiệu "ống nhựa Bình Minh".

Tuy nhiên, tòa cũng nhận định, nguyên đơn được bảo hộ hợp pháp đối với nhãn hiệu "Bình Minh", không được bảo hộ cụm từ "nhựa Bình Minh Việt", nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn loại bỏ toàn bộ các dấu hiệu "Bình Minh" là không có căn cứ theo điểm c khoản 1 điều 129 luật Sở hữu trí tuệ "sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ".

Đối với các kết luận giám định mà nguyên đơn cung cấp, theo tòa chỉ mang giá trị tham khảo, không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án. Từ đó, tòa không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Hiện các bên đang kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.

Tòa chưa tiếp cận hết các khía cạnh của luật nội dung

Hồ sơ vụ án thể hiện Công ty CP nhựa Bình Minh đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu "ống nhựa Bình Minh", còn nhựa Bình Minh Việt thì không. Vậy tranh chấp giữa các bên trong vụ án là dấu hiệu "Bình Minh". Đây chính là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Cụm từ "Bình Minh Việt" không gây nhầm lẫn với "Bình Minh", nhưng dấu hiệu "Bình Minh" là yếu tố gây nhầm lẫn về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa. Theo luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu có thể là hình ảnh, từ ngữ hoặc sự kết hợp các yếu tố này. Trong vụ án này, thành tố chính của nhãn hiệu là chữ "BÌNH MINH", đây là yếu tố gây nhầm lẫn theo điều 129 luật Sở hữu trí tuệ.

Mặt khác, tòa nên căn cứ vào kết luận giám định hoặc trưng cầu giám định độc lập về khả năng gây nhầm lẫn của dấu hiệu; tham khảo thêm ý kiến người tiêu dùng cũng là một minh chứng quan trọng.

Ngoài ra, cần xem xét các yếu tố liên quan đến vấn đề cạnh tranh không lành mạnh bằng cách sử dụng các dấu hiệu tương tự có thêm các chữ "Việt", hoặc cách phát âm tương tự trong tranh chấp nhãn hiệu "VINCOM" và "VINCON" (việc lấy tên gây nhầm lẫn của Vincon đã vi phạm vào điều 129 và đây cũng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại điều 130 luật Sở hữu trí tuệ), tranh chấp nhãn hiệu "asano, hình" và nhãn hiệu "Asanzo, hình". Việc thêm chữ vào một nhãn hiệu bất kỳ mang tính tương tự có thể làm ảnh hưởng đến cạnh tranh không lành mạnh.

Trong vụ án tranh chấp giữa nhựa Bình Minh và nhựa Bình Minh Việt, cách xét xử của tòa án đang nặng về hình thức, mà chưa xem xét và tiếp cận được hết các khía cạnh của luật nội dung.

Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường (giảng viên Khoa luật Dân sự, phụ trách Viện luật So sánh, Trường ĐH Luật TP.HCM)

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Đường đích chiến thắng - SCTV9

Thám tử thần toán - SCTV9

 

Người bố thân yêu - SCTV9

 

CÙNG SCTV VUI TẾT SUM VẦY - QUÀ ĐẦY Ý NGHĨA

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...