Ngày 16/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal và chính phủ.
Mặc dù vậy, theo hãng CNN, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn yêu cầu ông Gabriel Attal tiếp tục giữ chức vụ tạm quyền cho đến khi nội các mới được bổ nhiệm.
Tuần trước, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã đệ đơn từ chức sau khi liên minh trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron thất bại trong vòng bầu cử thứ hai của cuộc bầu cử quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Macron từ chối và đề nghị ông tại nhiệm thêm thời gian ngắn để duy trì sự ổn định.
Ngày 16/7, Tổng thống Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Attal sau cuộc họp tại Điện Elysee ở Paris. Tuy nhiên, một lần nữa ông Macron tiếp tục yêu cầu Thủ tướng Attal tiếp tục duy trì chức vụ cho đến khi chính phủ mới thành lập,. Ở bối cảnh hiện tại, vị trí thủ tướng mới của nước Pháp vẫn trong tình trạng mơ hồ và chưa có người kế nhiệm rõ ràng.
"Để giai đoạn này kết thúc nhanh nhất có thể, các lực lượng của Đảng Cộng hòa phải hợp tác cùng nhau, xây dựng sự thống nhất và hành động phục vụ người dân Pháp", Điện Elysee nhấn mạnh trong tuyên bố.
Theo quy định của Hiến pháp Pháp, tổng thống sẽ bổ nhiệm một thủ tướng mới, nhưng không nêu chi tiết cách thức cũng như khung thời gian cụ thể thực hiện. Cho đến khi chính phủ mới được bổ nhiệm, chính phủ hiện tại sẽ chịu trách nhiệm ứng phó với các tình huống khẩn cấp nhưng không có quyền ban hành bất kỳ cải cách lập pháp nào.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Pháp sẽ tiếp tục họp vào hôm 17/7 để bầu Chủ tịch Quốc hội, bao gồm hai cuộc bỏ phiếu và ai giành được đa số phiếu trong cơ quan 577 ghế sẽ giành chiến thắng. Nếu không ai chiến thắng trong hai vòng bỏ phiếu đầu tiên thì ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong Quốc hội sẽ được chọn trong vòng bỏ phiếu phiếu thứ ba.
Sau khi từ chức, ông Attal và các bộ trưởng sẽ được phép bỏ phiếu trong cuộc bầu cử chủ tịch Quốc hội.
Chưa có người kế nhiệm
Mặc dù việc Thủ tướng Attal từ chức sẽ mở đường cho Tổng thống Macron bổ nhiệm người kế nhiệm nhưng đến hiện tại, vẫn chưa có ứng cử viên nào "được chọn mặt gửi vàng". Quốc hội mới được bầu ra có thể sẽ đối mặt với khó khăn sau vòng bỏ phiếu thứ hai và dễ dàng dẫn đến một "quốc hội treo".
Ngày 18/7, Quốc hội mới của Pháp sẽ họp phiên đầu tiên. Nhiệm vụ quan trọng nhất là bầu Chủ tịch, chắc chắn sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn. Lý do là vì không có liên minh nào giành được đa số tuyệt đối và chưa vượt qua những khác biệt về quan điểm để sớm thành lập một chính phủ liên minh.
Trước đó, Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen đã dẫn đầu trong vòng bầu cử Quốc hội đầu tiên, với các dự đoán khả năng Pháp có thể sắp bầu được chính phủ cực hữu đầu tiên kể từThế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, RN đã tụt xuống vị trí thứ ba trong vòng bầu cử thứ hai. Trong một kết quả gây sốc ở vòng bầu cử thứ hai, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) giành được nhiều ghế nhất, phe trung dung của ông Macron xếp thứ hai.
Theo thông lệ, tổng thống Pháp sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới từ phe chiếm đa số trong quốc hội. Nhưng vẫn chưa rõ đây sẽ là đảng nào trong NFP. Dù có sự thống nhất về việc lựa chọn một ứng cử viên duy nhất, các đảng thuộc liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) gồm đảng Xã hội, đảng Cộng sản, đảng Xanh và đảng Nước Pháp bất khuất đều muốn có người của mình ra ứng cử.
Sau hơn một tuần bỏ phiếu, liên minh vẫn chưa tìm ra ứng cử viên cho vị trí thủ tướng mới của Pháp. Vì không có đảng nào thực sự chiếm ưu thế so những đảng còn lại, việc đàm phán để có ứng cử viên chung sẽ còn khó khăn ở phía trước.
Ngay cả khi nếu Tổng thống Macron bổ nhiệm một thủ tướng từ NFP, đảng này vẫn sẽ cần phải tham gia vào một liên minh khác để thông qua luật.
Theo hiến pháp, tổng thống được toàn quyền chỉ định một nhân vật vào chức thủ tướng nhưng lại không ghi rõ là trong thời hạn bao lâu tổng thống phải bổ nhiệm tân thủ tướng. Tuy nhiên về mặt chính trị, tổng thống phải tiến hành việc này tùy theo cơ cấu của Quốc hội mới.
Ở bối cảnh khác, ông Macron có thể kêu gọi một ứng cử viên bên ngoài chính trường quản lý các vấn đề hàng ngày.
Tình hình hiện tại cho thấy chính trường Pháp thực sự phức tạp vì 3 phe đứng đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, gồm liên minh cầm quyền, liên minh cánh tả và liên minh cực hữu, đều khó chấp nhận phe đối lập có đại diện làm thủ tướng./.
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...