Theo một báo cáo mới của Liên hợp quốc, tình trạng bạo lực nhằm vào trẻ em trong các cuộc xung đột ngày càng gia tăng và leo thang đến mức "cực đoan" vào năm 2023.
Trẻ em là nạn nhân trong cuộc xung đột vũ trang
Theo trang SCMP, số lượng các vụ bạo lực nghiêm trọng đã xảy ra ở mức đáng báo động trong các cuộc khủng hoảng, từ Israel và các vùng lãnh thổ Palestine đến Sudan, Myanmar và Ukraine.
Báo cáo thường niên về "Trẻ em trong xung đột vũ trang" ghi nhận "tình trạng gia tăng đáng kinh ngạc", với 30.705 vụ trong năm 2023, tăng 21% so với năm 2022 trong một loạt các cuộc xung đột ở Dải Gaza, Congo, Burkina Faso, Somalia và Syria.
Lần đầu tiên, báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa lực lượng Israel vào danh sách đen các quốc gia vi phạm quyền trẻ em vì giết hại và gây thương tật cho trẻ em cũng như tấn công vào trường học và bệnh viện.
Đây cũng là lần đầu tiên Liên hợp quốc liệt kê lực lượng vũ trang hồi giáo Hamas và tổ chức tự xưng Phong trào Thánh chiến Hồi giáo ở Palestine vào tội giết người, làm bị thương và bắt cóc trẻ em.
Trong báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10 của lực lượng Hamas ở miền nam Israel và sự trả đũa quân sự quy mô lớn của Israel ở Dải Gaza đã dẫn đến sự gia tăng 155% các hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em, đặc biệt là việc sử dụng vũ khí nổ ở các khu vực đông dân cư ở Gaza.
Bên cạnh đó, tại Sudan, số vụ bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em trong năm 2023 đã tăng 480% so với năm 2022. Còn trong các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông, con số này là 155%.
Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng Bán Quân sự (RSF) hiện nằm trong danh sách đen vì đã giết và làm bị thương thanh thiếu niên cũng như tấn công trường học và bệnh viện. Trong khi đó, RSF cũng được quy về tội tuyển dụng và sử dụng trẻ em trong các hoạt động quân sự.
Tổng thư ký Guterres cho biết Liên hợp quốc đã xác minh 1.721 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với 1.526 trẻ em tính đến cuối năm 2023.
"Tôi kinh hoàng trước sự gia tăng đáng kể các vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là việc tuyển dụng, giết hại và gây thương tích trẻ em cũng như bạo lực tình dục và tấn công vào trường học và bệnh viện", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.
Trong khi đó, cuộc nội chiến ngày càng gia tăng ở Myanmar cũng chứng kiến sự gia tăng 123% các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em. Hiện lực lượng vũ trang Myanmar cũng được liệt kê trong danh sách đen năm nay.
Báo cáo nhấn mạnh Liên hợp quốc đã xác minh 2.799 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với 2.093 trẻ em - bao gồm 238 vụ giết người và 623 vụ bị thương do quân đội chính quyền và các nhóm quân nổi dậy Myanmar liên quan gây ra.
Gia tăng vi phạm đáng báo động
Liên hợp quốc đã xác minh 30.705 vi phạm đối với trẻ em vào năm 2023 và 2.285 vi phạm đã xảy ra trước đó, ảnh hưởng đến hơn 15.800 bé trai và hơn 6.250 bé gái. Một số trẻ em đã chịu nhiều lần xâm phạm..
Theo ông Guterres, sự gia tăng vi phạm đáng báo động là do "tính chất thay đổi, tính phức tạp, sự mở rộng và cường độ của xung đột vũ trang, việc sử dụng vũ khí nổ ở các khu vực đông dân cư, các cuộc tấn công có chủ ý hoặc bừa bãi nhằm vào dân thường" và cơ sở hạ tầng cũng như các tòa nhà thiết yếu khác, cũng như sự xuất hiện của các nhóm vũ trang mới, các tình huống khẩn cấp về nhân đạo và sự "coi thường trắng trợn" luật pháp quốc tế.
Trong báo cáo, Người đứng đầu Liên hợp quốc bày tỏ "kinh hoàng trước sự gia tăng mạnh mẽ, quy mô và cường độ chưa từng có của các hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em ở Dải Gaza, Israel và Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem.
Ông Guterres bày tỏ bị sốc trước vụ giết hại, làm thương tật và bắt cóc trẻ em của lực lượng vũ trang Hamas và Thánh chiến Hồi giáo vào ngày 7/10, đồng thời nói rằng không gì có thể biện minh cho "những hành động khủng bố tàn bạo" này.
Quy mô của chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas và Thánh chiến Hồi giáo "cũng như phạm vi chết chóc và tàn phá ở Dải Gaza là chưa từng có", đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Israel tuân thủ luật pháp quốc tế và đảm bảo dân thường không trở thành mục tiêu trong cuộc xung đột vũ trang.
Ngay tại Dải Gaza, báo cáo ghi nhận Liên hợp quốc đã xác minh 2.267 vụ sát hại trẻ em Palestine. Họ cho biết khoảng 9.100 trẻ em được báo cáo rằng đã thiệt mạng trên lãnh thổ "và việc xác minh đang tiếp tục diễn ra"./.
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...