Cái tên là chỉ dấu
"Điều này thật kỳ cục", CNN dẫn lời ông David Santoro, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Diễn đàn Thái Bình Dương ở Honolulu, thủ phủ bang Hawaii, nhận xét. Ông còn cho hay nhiều người dân ở Hawaii thực ra không biết nơi mình sinh sống lại không được bảo vệ bởi liên minh quân sự mà Mỹ là thành viên chủ lực. "Mọi người hầu như tưởng vì Hawaii là một phần của Mỹ nên sẽ được NATO bảo vệ", ông nói.
Thế nhưng ngay cái tên của liên minh đã là chỉ dấu cho tình huống này. Hawaii nằm ở Thái Bình Dương và khác với các bang khác, nơi đây không được bao hàm trong phạm trù Bắc Đại Tây Dương. Ngoại lệ này được nêu rõ trong Hiệp ước Washington, văn kiện thành lập NATO vào năm 1949, tức một thập niên trước khi Hawaii trở thành tiểu bang của Mỹ.
Điều 5 của hiệp ước quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là tấn công vào toàn bộ liên minh và tất cả thành viên sẽ lập tức hỗ trợ đối tượng bị tấn công. Tuy nhiên, Điều 6 của hiệp ước lại đưa ra giới hạn về mặt địa lý. Cụ thể, Điều 6 nêu rõ: "Một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hay các bên được coi là bao gồm một cuộc tấn công vào lãnh thổ của bất kỳ bên nào ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ". Nó cũng quy định bất kỳ vùng lãnh thổ đảo nào nằm trong phạm vi bảo vệ cũng phải ở Bắc Đại Tây Dương, phía bắc đường chí tuyến bắc.
Theo CNN, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ (không được nêu tên) xác nhận Hawaii không được bảo vệ theo Điều 5, nhưng lưu ý Điều 4 của hiệp ước có nêu rằng các thành viên liên minh NATO sẽ tham vấn khi "chủ quyền lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh" của bất kỳ thành viên nào bị đe dọa, tức sẽ bao gồm bất kỳ tình huống nào có thể ảnh hưởng đến cả Hawaii.
Dù vậy, người phát ngôn này cũng cho biết bất kỳ sự sửa đổi hiệp ước nào để bao hàm Hawaii đều khó đạt sự đồng thuận vì các thành viên khác của liên minh cũng có lãnh thổ rơi vào tình cảnh tương tự. Đơn cử, NATO đã không can dự vào cuộc chiến giữa Anh và Argentina ở quần đảo Falkland/Malvinas hồi năm 1982. Quần đảo này nằm ở Nam Đại Tây Dương.
Bối cảnh an ninh mới
Chuyện Hawaii không nằm trong phạm vi bảo vệ của NATO được đặt ra trong bối cảnh an ninh đã có nhiều thay đổi trong những thập niên qua. Theo một số chuyên gia, căn cứ quân sự Mỹ ở Hawaii có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó những nguy cơ tiềm tàng liên quan tới các hoạt động quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông John Hemmings, Giám đốc cấp cao của Chương trình chính sách đối ngoại và an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Diễn đàn Thái Bình Dương, còn nêu về ý nghĩa lịch sử mang tính biểu tượng của Hawaii - nơi xảy ra vụ Trân Châu Cảng trong Thế chiến 2.
Dù vậy, một số nhà phân tích khác cho rằng nếu Hawaii bị tấn công thì Mỹ có thể sẽ chú trọng phản ứng dựa vào các mối quan hệ với đồng minh trực tiếp trong khu vực hơn là NATO. Ông Luis Simon, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh, ngoại giao và chiến lược tại Trường Quản trị Brussels (Bỉ), chỉ ra lần duy nhất NATO kích hoạt cơ chế phòng vệ tập thể theo Điều 5 là sau sự kiện khủng bố 11.9.2001 ở Mỹ. "Nhưng thực tế, Washington đã không chọn Bộ Tư lệnh NATO để làm kênh phản ứng của mình", ông Simon lưu ý về thời điểm đó. Ông cho rằng lựa chọn này giúp Mỹ giữ quyền kiểm soát phản ứng đầy đủ và linh hoạt về ngoại giao. Còn phía NATO, ông Simon tin rằng các thành viên cũng sẽ hỗ trợ Mỹ riêng lẻ hoặc qua các kênh đa phương.
Guam cũng không trong phạm vi bảo vệ
Đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng không nằm trong phạm vi bảo vệ của NATO. Đây là một trong những địa điểm gây nhiều chú ý trong thời gian qua, nơi có căn cứ Andersen mà quân đội Mỹ thường triển khai khí tài quân sự để phô diễn sức mạnh và gửi thông điệp đến CHDCND Triều Tiên cũng như các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về vùng lãnh thổ này, chuyên gia Santoro đánh giá: "Về mặt chiến lược, Guam còn quan trọng hơn nhiều so với Hawaii".